Biểu hiện của thiên nhiên

0
1912

 Là một “họa sỹ” mới vào “nghề”, những ” tác phẩm” đầu tay của tôi cũng như bao đứa trẻ khác là những khắc, vạch ngang, dọc, khoanh tròn loằng ngoằng mang tính riêng tư và tượng trưng như một tín hiệu kết nối từ tiền kiếp giữa tâm hồn bên trong và một chút bên ngoài. Khi trưởng thành, “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, tôi lạc vào học trường Mỹ thuật, được tiếp cận với mỹ thuật một cách bài bản và khoa học trong trường và những ngoại khóa thực tế, thực tập trong cuộc sống, được tiếp cận dần với các sáng tác mỹ thuật. Những bài học sáng tác được gọi là “tác phẩm” bắt nguồn từ những thứ xung quanh tôi ngay khi tôi cầm bút phác lên giấy. Ấn tượng bởi những chiếc lá rơi khắp sân trường trong mùa lá rụng, tôi dùng chính những vật liệu tự nhiên này, tôi cũng dùng những vật liệu liên kết bên ngoài nữa nhưng cố gắng diễn đạt chúng dưới góc nhìn mới, một chiều hướng mới. (Cần một lời tuyên ngôn rằng: Thiên nhiên kết hợp với thiên nhiên thành gì… thành gì?… Đó chính là Tín ngưỡng. Học mỹ thuật rất cần nghiên cứu mỹ thuật cổ gắn liền tín ngưỡng – thầy giáo dạy tôi nói). Tôi dùng hình ảnh những con đường, những cột cây số, những lối đi và khung cửa sổ của ngôi nhà như một sự ẩn dụ về những khía cạnh khác nhau của cuộc sống… Với “phần mềm” tín ngưỡng là thiên nhiên về cảm nhận trong tâm thức từ đây tôi bắt đầu một hành trình mỹ thuật vào đề tài tín ngưỡng. Trường học trong khu phố yên tĩnh lạ thường. tôi ngắm nhìn quang cảnh đô thị và cũng cố đưa nó vào trong tranh với những hình ảnh ẩn dụ tương ứng, coi những khối hình, cấu trúc của cuộc sống thành thị là phương tiện chuyển tải suy nghĩ nhưng không thành vì đó không phải là tín ngưỡng của tôi. Tôi cố gắng tạo một sự cảm nhận nhiều hơn về môi trường xung quanh khiến nó trở thành những cánh đồng mênh mông hay đồi núi trùng điệp hùng vĩ nơi tuổi thơ tôi sống…

       Các bài học sáng tác cũng chính là “cái tôi” của tôi như kiểu một cuộc du ngoạn riêng tư vào tiềm thức. Tự lội vào bản thân cho sự vật hiện hữu, thể hiện nhu cầu cấp thiết bày tỏ “cái tôi riêng”. Một sự thám phá lặng lẽ những tâm tư tình cảm, phân tích những bí ẩn trong nhân tình thế thái, bài học như là một cuốn nhật ký thị giác ghi lại cuộc tìm kiếm lâu dài và “cái tôi” nghệ sỹ đề cập tới thế giới mong manh chúng ta đang sống và mối lo ngại về môi trường xung quanh luôn tồn tại… Thiên nhiên hoang sơ thực sự huyền bí và quyến rũ. Với những mầu sắc cầu vồng lung linh, chúng luôn vẫy gọi những gam mầu rực rỡ kéo đến bằng vẻ đẹp đa sắc và mê hoặc làm kiệt sức khi muốn thể hiện.

       Ngay tại đây trên nền thiên nhiên này tôi nhận thấy từng chiếc lá, từng ngọn cỏ, bông hoa cây cối đất cát, từng hạt gồng mình tách hạt trước Tín ngưỡng Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Tôi cố gắng khiến mình trải nghiệm cùng không gian, quan sát và cảm nhận từng vật chất, cố gắng nắm bắt từng đặc điểm và năng lượng của từng sự vật và truyền tải thật đầy đủ nó lên tranh và tác phẩm. Tôi lấy cảm hứng từ chính vật chất nơi đây và với một chút sắp xếp để tự chúng biến thành nghệ thuật và có đời sống riêng của nó. Mỗi mùa và điều kiện thời tiết quyết định từng chủ đề không hứng. Vẽ về thiên nhiên rất tuyệt, cảm nhận từng luồng năng lượng mạnh mẽ chảy, khám phá ra những con côn trùng để lại vết chân … những đám rêu, những chiếc lá mục trên nền đất ẩm, hạt sương vương trên tơ nhện cũng có thể biến thành bài học sáng tác của tôi. Qua các bài học sáng tác từ thiên nhiên thì sự tồn tại của chữ ký như là một nốt lặng điểm xuyết cân bằng cần và đủ trong tác phẩm…

       Lễ cầu mùa – Đồng gò – Vũ Công Trí

       Biểu hiện của Tín ngưỡng trong mỹ thuật cổ

Khởi thủy mỹ thuật là một “Tôn giáo” tách người ra khỏi con vật. Là “gốc” Tín ngưỡng của các Tín ngưỡng – Tín ngưỡng về Cái đẹp con người tin vào để giải thích thế giới và mang lại sự bình yên không chỉ cho bản thân mà còn thể hiện giá trị của cuộc sống.

Đối diện Tôi đây là Tín ngưỡng thờ các vị thần” Mây, Mưa, Sấm, Chớp” thuở hồng hoang – Tín ngưỡng cổ sơ của loài người gắn liền với tư duy nông nghiệp. Đạo thờ Mẫu: Trời – đất là loại hình Tín ngưỡng bản địa cổ sơ nhất của người Việt thờ các nữ thần tự nhiên, coi các Thánh mẫu là người che chở cho con người. Đạo Mẫu còn mở rộng thêm nhiều hình thức mới như thờ: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Hổ.

Sáng tạo mỹ thuật cổ về đề tài Tín ngưỡng Tâm linh với các dòng tranh dân gian chính: tranh thờ Hàng Trống (phố Hàng Trống), tranh thờmiền núi (các dân tộc Tây Bắc) và tranh làng Sình (ngoại thành Cố đô Huế). Mỗi dòng tranh lại có những đặc điểm riêng – tranh Hàng Trống tập trung đề tài Tứ Phủ, Công Đồng với hình tượng những vị MẫuThánh nữ được ban sắc phong hay đề tài Ngũ Hổ nhằm cai quản đạo đức con người. Tranh làng Sình khác biệt hơn và“tuổi thọ” tác phẩm không cao, thường đốt ngay sau khi làm lễ chính vì lẽ đó đường nét và mầu sắc không mấy được chú trọng. Tranh thờ miền núi hay còn gọi là tranh Đạo giáo lại mang trong mình nét đặc biệt về tạo hình – Khổ tranh hẹp và dài bố cục theo luật viễn cận tâm linh, nhân vật quyền cao được vẽ to đặt trên cùng và lần lượt cho đến chức vụ bé nhỏ. Tranh thờ miền núi không để trưng bày như tranh Hàng Trống, cũng không đốt ngay sau khi sử dụng như tranh làng Sình mà được cuộn lại khi cần mới mở ra…

Tín ngưỡng thờ mẫu mà hình ảnh kịch tính nhất của nó là các pha “Showcase” hầu đồng, nhập thánh là nghi lễ của Tín ngưỡng vừa thực và rất thực, nhưng cũng rất phi hiện thực không trộn lẫn. Trong mỹ thuật cổ làm sao tả được cái không gian nửa thực nửa hư như vậy?

Tôi từng xem hầu đồng ở Phủ Giầy – Nam Định lần đầu hồi trẻ, ba bốn giá hầu đồng cùng trong một điện to, bài trí không được long trọng, loa đài tranh nhau “nhảy vào mồm” nhau nên cảm giác không thích lắm. Nhưng một lần khác trên đền Suối Ngang – Lạng Sơn, giữa cảnh núi non sông nước chợt giật mình thấy khung cảnh đó hiện ra trong tiếng hát Văn khác hẳn – núi không còn chỉ là núi, sông không chỉ là sông nữa mà là linh khí núi sông cả ngàn năm huyền thoại cùng hiện ra trong lòng mình theo tiếng nhạc. Sau này tìm hiểu kỹ hơn cũng biết cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái lạ của nghệ thuật trong việc hầu đồng từ ca vũ, phục trang, bài trí… nhưng mỹ thuật cổ đâu có đưa được nhạc hát văn là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho buổi hầu đồng vào được, thì một lần khi là sinh viên chuẩn bị ra trường đi thực tập ở vùng cao Tây Bắc được dự buổi lễ cúng trừ tà cho người ốm chợt phát hiện một biện pháp “chết người”: Tranh thờ Đạo giáo của các dân tộc miền núi như Dao, Tày, Nùng…

Tín ngưỡng thờ mẫu thuở Sa – man giáo là một tín ngưỡng nguyên thủy có ở rất nhiều dân tộc và Đạo giáo ở các dân tộc miền núi Tây Bắc rất gần gũi với việc lên đồng.

Những lễ như cấp sắc, nhảy lửa của người Dao, các loại cúng trừ tà của dân tộc khác thì bản chất cũng chính là lễ lên đồng mà thôi (các thầy Mo, thầy Tào sẽ treo tranh thờ quanh nhà trong lễ đó) Việc lấy yếu tố “cổ” của không gian dành cho lên đồng bởi những hình tranh thờ hay hình nhân, con mã được triết xuất để làm phông cho yếu tố “kim” là những nhân vật của hiện tại thầyMo, thầy Tào  hiện thực nhảy múa bên ngoài đối lập tạo hình ra còn đắc địa một chỗ là giống như nó tạo ra được một cái gì đó văng vẳng như âm thanh lời hát văn ở trong mảng nền tối âm u …và sự va đập của các miếng mầu chói xanh đỏ đối nhau rất gắt đã gợi lên tiếng đàn, phách, trống của các cung văn dập dìu dồn nhạc trong tranh… Tấu lạy cô, đây linh khí Việt ngàn năm lẫm liệt.

Đối diện tôi đây là tôi, là ai “Đi đâu?”. Ai cũng vội vội và đi. Đi đâu loanh quanh trong cõi Ta – Bà này nhỉ? Nghĩ cũng nực cười quá “Đời người như chong chóng tre. Quay quay quay mãi lại về tuổi thơ…”.

Tuổi của tiềm thức khắc, vạch ngang, dọc như một tín hiệu của con người cổ xưa ghi dấu sự hiện hữu con người trong vũ trụ này

Đi đâu? – Sơn dầu – Vũ Công Trí

Vũ Công Trí – Khoa Mỹ thuật

Trả lời