Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu cấp bách tại các nhà trường hiện nay. Việc lựa chọn, kết hợp sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm của môn học, đối tượng học là điều kiện cơ bản đầu tiên giúp cho môn học đạt kết quả như kỳ vọng.
Đối với những giờ học lý thuyết, phương pháp làm việc nhóm là một trong những hình thức tổ chức lớp học được cho là đem lại hiệu quả tích cực. Mỗi buổi học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ làm việc cùng nhau trong những nhóm nhỏ (từ 4 đến 5 bạn) để hoàn thành mục đích học tập chung của cả nhóm. Giáo viên giao những chủ đề nhỏ liên quan đến nội dung bài học và giới hạn thời gian cho học sinh. Khi làm việc nhóm, mỗi thành viên vừa có trách nhiệm tự học tập, vừa có trách nhiệm hỗ trợ các thành viên khác trong nhóm hoàn thành mục tiêu học tập chung của cả nhóm. Trong quá trình làm việc cùng nhau, các học sinh được trao đổi, thảo luận, quan sát, lắng nghe… cùng học, cùng khám phá và phát triển tư duy. Đây cũng là cơ hội giúp các em phát triển các kĩ năng giao tiếp thông qua việc diễn đạt bằng lời và chia sẻ các ý tưởng của mình với những người khác.
Khi được tổ chức và điều khiển một cách khoa học và hợp lý, phương pháp làm việc nhóm sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thông qua giờ dạy môn Tâm lý du khách đối với học sinh chuyên ngành Hướng dẫn du lịch, phương pháp này thể hiện rõ những ưu điểm nổi bật sau: Thứ nhất, thúc đẩy cá nhân tích cực suy nghĩ độc lập và xây dựng tinh thần đồng đội trong nhóm học tập. Các học sinh biết cách lắng nghe ý kiến của nhau và đưa ra được ý kiến chung cho cả đội nhóm. Trình bày nội dung đã chuẩn bị trước lớp là cơ hội giúp các em rèn luyện khả năng thuyết trình trước đám đông – điều mà đa số học sinh còn rất thiếu. Thứ hai, phát huy cao độ tính tích cực học tập của học sinh. Các tiết học trở nên sôi nổi, hứng thú, lôi cuốn người học. Học sinh được thoả sức sáng tạo trong các bài tập nhóm của mình. Các thành viên được được tự do phát biểu quan điểm của mình về chủ đề thảo luận, từ đó phát triển tư duy độc lập và trao đổi lẫn nhau trong nhóm. Từ đó, giáo viên có được thông tin phản hồi từ học sinh, đồng thời tăng mối giao cảm giữa thầy và trò, khiến cho giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Việc vận dụng phương pháp hoạt động nhóm vào giảng dạy các môn học lý thuyết là phù hợp với xu thế chung về đổi mới phương pháp dạy học mà ngành giáo dục nước ta đã đề ra.
Tuy nhiên, phương pháp hoạt động nhóm còn tồn tại tình trạng ỉ lại vào các thành viên khác, trong thời gian quy định chưa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình, chất lượng bài làm chưa tốt…Vì vậy, vai trò chủ đạo của giáo viên cần được phát huy, giáo viên cân đối giao việc cho từng nhóm và từng thành viên trong nhóm. Có như vậy, từng học sinh mới hiểu được nhiệm vụ mình phải làm. Khi mỗi học sinh hiểu được nhiệm vụ cụ thể các em sẽ tham gia thảo luận tích cực hơn. Giáo viên cần đưa ra quy định cụ thể trong khi thảo luận cũng như khi giao việc cần tỉ mỉ, rõ ràng. Đặc biệt trong quá trình hoạt động nhóm, giáo viên theo dõi tổng quát, phát hiện và hỗ trợ cho nhóm có khó khăn, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những lệch lạc của học sinh. Và điều cần chú ý đối với giáo viên là cách đánh giá kết quả học tập của học sinh. Kết quả thảo luận là kết quả chung của cả nhóm, là sự đóng góp tích cực của các thành viên, dù các em thảo luận thành công hay không thì giáo viên cũng cần có những nhận xét mang tính tích cực, khuyến khích các em làm tốt hơn ở những lần sau.
Việc đẩy mạnh phương pháp học tập nhóm vừa là nhu cầu thực tiễn vừa là động lực phát triển giáo dục hiện nay. Điều đó đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo tự nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, tích cực tham gia vào các quá trình đổi mới phương pháp dạy học, góp phần tăng cường và phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường.
Nguyễn Thị Thoa – Phòng KH&ĐT