Bánh chưng và bánh tét là hai thức bánh không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của dân tộc ở hai miền Nam – Bắc. Nếu như miền Bắc chiếc bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên dịp tết thì ở miền Nam chiếc bánh tét cũng là món ăn không thể thay thế trong dịp tết cổ truyền, nó là nét văn hóa điển hình, tiêu biểu của ẩm thực xứ Đàng Trong. Tuy khác nhau về kích thước và hình dáng, nhưng hai thứ bánh này đều được làm từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh…, gói trong là lá dong hoặc lá chuối và có cùng cách nấu.
Tên gọi và truyền thuyết về bánh tét.
Cũng giống như bánh chưng ở miền Bắc, bánh tét là thức bánh đặc trưng không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về ở xứ Đàng Trong. Nhưng tại sao ở miền Nam họ lại không gọi bánh tét là bánh chưng như người miền Bắc? Vậy “bánh tét” có tên gọi xuất phát từ đâu? Vì sao bánh có tên là bánh tét?
Nhiều người cho rằng do chiếc bánh dài, ăn tới đâu thì “tét” (cắt bánh) tới đó nên mới thành tên. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng chữ “tét” trong “bánh tét” là do khẩu ngữ của người miền Nam nên họ đã đọc chệch từ “tết” thành “tét” nên bánh mới có tên như vậy. Vì thế, bánh tét cũng có nghĩa là “bánh ngày Tết”.
Với bánh chưng ở miền Bắc, ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc với truyền thuyết về bánh chưng, về chàng Lang Liêu nằm mơ mà làm được thứ bánh quý dâng lên vua cha để rồi được chọn làm người kế vị ngai vàng. Trong số rất nhiều những món sơn hào hải vị được dâng lên thì chỉ có thứ bánh gần gũi mà ý nghĩa của Lang Liêu là làm vừa lòng đức vua và lẽ dĩ nhiên chàng xứng đáng với ngai vàng mà vua cha để lại.
Bao nhiêu thế hệ học sinh được dạy và học về nguồn gốc của bánh chưng như thế. Thứ bánh ấy được miêu tả là làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ…gói lại theo hình vuông tượng trưng cho trời và bánh dày hình tròn tượng trưng cho đất. Và mặc nhiên chúng ta hiểu: đã là bánh chưng phải là hình vuông và hình vuông chính là hình dáng nguyên thủy của chiếc bánh chưng truyền thống. Vậy sẽ giải thích thế nào cho hiện tượng nhiều bánh chưng không có hình vuông mà lại được gói dài như bánh tét ở miền Nam hay tại sao trên cùng một dải đất hình chữ S, chiếc bánh chưng lại có hình dáng khác biệt như vậy. Trong bài viết này, tác giả xin mạnh dạn đưa ra một vài giả thuyết về nguồn gốc của chiếc bánh chưng/ bánh tét truyền thống.
Giả thuyết thứ nhất: Bánh tét là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến của văn hóa Việt – Chăm: tín ngưỡng phồn thực của cư dân Nam Bộ
Theo những ghi chép còn sót lại, đòn bánh Tét có nguồn gốc từ chủ nhân vùng đất này. Đó là người Chăm Pa trong lịch sử định hình lãnh thổ quốc gia dân tộc từ cuối thế kỷ thứ II sau Công nguyên (cách ngày nay khoảng gần 2 thiên niên kỷ). Khi ấy, người Chăm có một nền văn hóa phát triển rực rỡ và đạt đến đỉnh cao. Vì thế nền văn hóa ẩm thực cũng vô cùng phong phú.
Theo lý giải của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, rất có thể, đòn bánh Tét mà người trong Nam dùng trong ngày Tết hôm nay là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt – Chăm hay cũng có thể là sự kế thừa những giá trị của lớp tiền nhân đi trước để lại. Khi người Việt vào khai khoang mở cõi vùng đất phương Nam, do sự tiếp thu yếu tố tín ngưỡng đa thần của nền văn hóa Chăm, trong đó có tín ngưỡng Phồn thực, thờ thần lúa.
Từ sự hình tượng hóa của yếu tố Linga của thần Siva (mà nay còn biểu hiện rõ nhất ở khu đền tháp Mỹ Sơn) cùng với tín ngưỡng nông nghiệp vốn có nên các cư dân Việt sau này đã tạo ra chiếc bánh Tét như ngày nay. Rồi dần dà, đòn bánh Tét được “thai ghén” và sinh thành.
Giả thuyết thứ hai: Bánh tét bắt đầu xuất hiện từ thời vua Quang Trung
Bên cạnh đó, có một truyền thuyết khác bổ sung thêm cho nguồn gốc của bánh Tét, cách gọi tên bánh và thói quen ăn bánh Tét trong ngày Tết như sau. Vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ cầm quân đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi ăn Tết. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay. Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung.
Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa.
Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về. Đó được xem là nguồn gốc của bánh Tét trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, giả thuyết này hiện nay vẫn còn có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Vì đa số các học giả đều cho rằng bánh tét phải có niên đại sớm hơn thời Quang Trung.
Giả thuyết thứ ba cho rằng:Bánh tét là món bánh cổ truyền của người Việt từ xa xưa và có nguồn gốc từ miền Bắc vào.
Ở miền Nam bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét là tiếng đọc trạnh kiểu miền nam của bánh tết. Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn – dài như bánh tét Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác.
Hiện tại ở một số địa phương như: Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội hay ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, bắc Ninh… vẫn thấy bà con các vùng này gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, hoặc trong dịp lễ tết thì chỉ gói thêm một vài chiếc bánh chưng vuông để đặt lên ban thờ. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh dầy tròn tượng trưng cho trời là một sự “ngộ sự văn hóa”. Bởi triết lý “trời tròn đất vuông” là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào Việt Nam sau này. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. “Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày, cói nõ. Bánh dầy tròn dẹt tự âm vật, như cái cối, cái nường. Đó là tín ngưỡng và triết lý nõ-nường-chày-cối chưng/dầy của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đây bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu). Bánh chưng gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo.
Trong bầu khí văn minh đó, người Việt Nam sống vừa hòa hợp (thích nghi tối đa và tối ưu) vừa đấu tranh (biển đổi) với tự nhiên. Lá dong gói bánh là lá dong riềng lấy sẵn của thiên nhiên. Cái bánh chưng, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn… Cái đặc sắc, độc đáo của bánh chưng không phải ở từng yếu tố hợp thành cái bánh mà là ở cơ cấu của bánh, nó tạo nên nét khác biệt trong hình khối, màu sắc, hương vị của bánh chưng so với các lọai xôi đỗ và bánh nếp khác.
Ở một số địa phương ngoài Bắc cũng gói bánh “Tét” nhưng được gọi là bánh chưng dài hoặc là bánh tày. Cổ Loa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ (vùng đất cổ của người Việt cổ – các vua Hùng) là những vùng đất vẫn còn lưu giữ lại được những giá trị văn hóa gốc. Vì thế rất có thể, những chiếc bánh chưng dài như bánh tét ở miền Nam mới là những chiếc bánh chưng khởi thủy của người Việt cổ với triết lý âm dương hòa hợp. Sau này, do ảnh hưởng của văn hóa Hán nên bánh chưng dài ở vùng đất cổ này bỗng biến thành “vuông” theo thuyết lý “trời tròn đất vuông” của văn hóa Hán. Vì thế, sau này với thuyết trời tròn đất vuông du nhập từ Trung Quốc nên cư dân Việt sau này đã áp dụng nó vào việc gói bánh.
Và rất có thể, bánh tét ở miền Nam gắn liền với hành trình mở cõi về phương Nam của lưu dân nước Việt, từ miền Bắc chuyển vào sinh sống ở miền Nam. Họ vẫn nhớ cái gốc, cái cội nguồn của dân tộc nên vẫn mang theo hành trình của mình cái hình dáng, hương vị và hơi thở đất Việt vào miền Nam thông qua sự giữ gìn và tiếp nối truyền thống “bánh chưng dài” của dân tộc. Về mặt không gian, bánh chưng là của người miền Bắc, là sản phẩm của những miền quê đã hình thành ổn định từ hàng ngàn năm qua; còn bánh tét là của người miền Nam, chủ nhân của những vùng đất mới thành hình ở phương Nam từ công cuộc khẩn hoang, mở mang lãnh thổ của những thế hệ lưu dân anh dũng và năng động. Bánh tét mang trong mình không chỉ hơi thở và truyền thống của một thế hệ lưu dân lâu đời mà hơn hết nó còn thể hiện sự chân thành và trân quý về truyền thống tổ tiên.
Bánh chưng/ bánh tét, thức bánh chỉ có ở riêng Việt Nam?
Bánh chưng, bánh tét lâu nay vẫn được coi là một loại bánh truyền thống của , ban đầu được làm ra nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Bánh chưng, bánh tét thường được làm vào dịp cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày giổ tổ (mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm).
Theo quan điểm của nhiều người, bánh chưng là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được nhắc lại trong truyền thuyết, và trong cả sách “Lĩnh Nam chính quái” đồng thời có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Gốc tích chiếc bánh chưng luôn được gắn liền với Sự tích bánh chưng bánh dày trong truyền thuyết, có liên quan đến hoàng tử vào đời V Hùng thứ 6, sự tích muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc.
Bấy lâu nay trong tiềm thức của mỗi người Việt, bánh chưng cùng với tục ăn bánh chưng ngày Tết là chỉ riêng có ở Việt Nam, chắc rằng cũng chẳng có ai nghi ngờ cái “độc quyền” ấy. Tuy nhiên, ở vùng Triệu Khánh (Quảng Đông – Trung Quốc) hiện nay cũng gói thức bánh giống như bánh chưng của người Việt. Thức bánh ấy cũng được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ…bọc ngoài là lá dong như của người Việt và họ – cư dân vùng Triệu Khánh gọi thức bánh ấy là bánh chưng. Bánh chưng Triệu Khánh chỉ khác bánh chưng Việt Nam ở 2 điểm đó là hình dáng và cách ăn. Nếu như người Việt gói bánh chưng hình vuông (đa số các vùng ở miền Bắc) và bánh tét hình trụ dài (chủ yếu cư dân miền Nam) thì người Triệu Khánh gói bánh chưng truyền thống của họ hình gối hoặc hình kim tự tháp. Người Việt ăn bánh chưng/ bánh tét thường ăn không (tức là không ăn kèm gia vị) thì người Triệu Khánh sau khi nhấc chiếc bánh chưng nóng hổi hổi ra khỏi nồi xong, bóc lớp lá dong, cho thêm cần tây, hành xắt nhuyễn và vừng, rồi xức thêm một ít dầu lạc và nước tương, khi nào ăn thì chấm.
Như thế, rõ ràng về nguyên liệu gói bánh thì cả bánh chưng Việt Nam và bánh chưng Triệu Khánh không hề khác nhau chỉ khác nhau ở hình dáng bánh. Vậy giữa hai thức bánh này liệu có mối quan hệ nào với nhau? Mỗi một dân tộc đều những có lý giải riêng của mình về nguồn gốc của bánh. Ở Việt Nam chiếc bánh chưng ra đời gắn liền với công lao to lớn của chàng Lang Liêu, còn ở Triệu Khánh nguồn gốc của chiếc bánh chưng được lý giải bằng một câu chuyện tình cảm động giữa chàng A Thanh và nàng A Quản, trải qua bao sóng gió cuối cùng đến được bên nhau và hóa tiên. Người dân vùng Triệu Khánh để tưởng nhớ đôi trai gái đã gói thức bánh giống như thức bánh mà nàng A Quản đã trao cho chàng A Thanh khi xưa. Hai thức bánh ở 2 vùng khác nhau có những lý giải và những dẫn chứng khác nhau về nguồn gốc của chiếc bánh. Vì thế, hiện nay, chúng ta khó có thể khẳng định chiếc bánh nào có trước, chiếc bánh nào có sau, vùng nào bị ảnh hưởng của vùng nào? mà chỉ có thể đưa ra nhận định hai thức bánh này đều là những sản phẩm của một nền văn minh nông nghiệp.
Tuy nhiên, chiếc bánh chưng Việt Nam đã được nâng lên tầm “thiêng hóa” – làm lễ vật trong lễ Giỗ Tổ Vua Hùng, được coi là “quốc hồn”, quốc túy của dân tộc, tới mức nhiều người đã nâng lên thành “triết lí bánh chưng bánh dày”; còn bánh chưng (Triệu Khánh) tuy cũng từng được dùng làm cống phẩm, song vẫn giữ nguyên ở ý nghĩa đời thường. Đó là cái căn cốt để tạo nên sự khác biệt về ý nghĩa của chiếc bánh chưng Việt Nam.
Giá trị văn hóa chứa đựng trong bánh chưng/bánh tét
Bánh tét là thứ bánh đặc trưng không thể thiếu trong ngày lễ cổ truyền của cư dân Nam Bộ và còn mang trong mình giá trị văn hóa to lớn của dân tộc.
Bánh tét thể hiện cho sự khai thác tối đa và tận dụng nguồn lực sẵn có của cư dân nông nghiệp. Bởi, bánh tét gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo. Người Việt Nam nói chung và cư dân xứ Đàng Trong nói riêng sống vừa hòa hợp (thích nghi tối đa và tối ưu) vừa đấu tranh (biển đổi) với tự nhiên. Lá dong gói bánh là lá dong riềng lấy sẵn của thiên nhiên. Cái bánh chưng/ tét, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn… Cái đặc sắc, độc đáo của bánh tét không phải ở từng yếu tố hợp thành cái bánh mà là sự hòa quyện lẫn nhau ở từng nguyên liệu làm nên nó. Cái màu xanh của lá dong, cái màu vàng của nhân đỗ, màu trắng của gạo và màu hồng của thịt lợn, tất cả đã tạo nên một sự tổng hòa thú vị về màu sắc. Sự kết hợp này không chỉ tạo nên sự hấp dẫn về màu sắc và mùi vị cho món ăn mà đồng thời nó còn thể hiện sự hài hòa, quyện chặt của trời đất trong từng nguyên liệu.
Hình dáng của chiếc bánh tét cũng là một đặc trưng thú vị cho món ăn này. Nếu như bánh chưng ở đa số các vùng quê miền Bắc là hình vuông thì bánh tét ở miền Nam lại tròn và dài (vì thế người ta quen gọi là đòn bánh tét). Bánh chưng vuông ở miền Bắc khi ăn thì phải bóc và cắt toàn bộ chiếc bánh nhưng với bánh tét ăn đến đâu có thể cắt đến đấy. Phần còn lại có thể buộc lại cất đi để hôm sau ăn tiếp.
Bánh chưng ở miền Bắc hay bánh tét ở miền Nam là thức bánh cổ truyền của dân tộc, là nét văn hóa tiêu biểu cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Nó gói ghém trong mình cả một nền văn hóa lâu đời và còn chứa đựng những bản sắc đặc trưng vùng miền riêng biệt.
Bánh tét thể hiện cho sự khai thác và vận dụng sáng tạo tối đa nguồn nguyên liệu tự nhiên của cư dân nông nghiệp trong làm bánh. Từ những nguyên liệu bình dị, giản đơn với óc sáng tạo và tài hoa của con người đã tạo nên một thức bánh tuyệt vời từ hương vị đến màu sắc. Bánh tét không chỉ dừng lại là một món bánh đơn thuần mà hơn hết nó còn chứa đựng tinh hoa của một văn hóa lâu đời.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa là một tất yếu, văn hóa ẩm thực cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, nhiều món ăn của dân tộc cũng bị ảnh hưởng và pha trộn, thậm chí mất đi màu sắc riêng nhưng bánh chưng/ bánh tét cơ bản vẫn giữ nguyên trong mình phong vị đặc biệt. Bản sắc Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa xứ Đàng Trong nói riêng vẫn được bảo tồn và lưu giữ qua phong vị của chiếc bánh tét cổ truyền.
Trần Ái Vân – Khoa LLCS,NVVH&DL