Giảng dạy và học tập học phần Giáo dục Chính trị trong các trường Trung cấp được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức chú trọng. Đây là môn học có vai trò mang tính định hướng tư tưởng và phát triển hoàn thiện nhân cách của học sinh. Tuy nhiên, thực trạng giảng dạy môn học này trong những năm gần đây còn có nhiều hạn chế. Nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, vai trò của môn học, học sinh thường mang tâm lý thụ động, ngại học vì cho rằng các nội dung chính trị luôn khô khan, khó hiểu; học sinh học tập, thi cử bằng một tâm lý “đối phó”, chỉ chú trọng “học vẹt”, học “thuộc lòng”, học sao cho miễn là qua được các kỳ thi.
Hiện nay, môn học Giáo dục chính trị đã được chú trọng hơn, giáo viên giảng dạy được tham gia các lớp tập huấn, năng lực giảng dạy được nâng cao thông qua hội thi các cấp. Tuy vậy, để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của môn học, đưa học sinh đến gần hơn với lượng kiến thức có tính “hàn lâm”, bản thân giáo viên cần phải tìm tòi, sáng tạo phương pháp dạy học mới. Để góp phần nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy môn học này, bài viết tập trung xây dựng một phương pháp mới với chủ đề “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học Giáo dục Chính trị trong trường Trung cấp theo hướng tích hợp”.
Thuật ngữ “tích hợp” theo nghĩa chung là chỉ sự phối hợp, kết hợp các tri thức gần gũi có quan hệ mật thiết.Thực tế giảng dạy luôn yêu cầu giáo viên phải hết sức chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng nhằm cuốn hút người học bằng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp không phải còn là một phương pháp mới trong thực tế giáo dục hiện nay.Tuy nhiên trong quá trình giảng dạy môn giáo dục chính trị do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới hiệu quả phương pháp này vào môn học chưa được như mong muốn. Nhiều khi trong giảng dạy theo hướng tích hợp, giáo viên lại quá thiên về kiến thức của các môn liên quan, vô hình chung đã làm sai lệch đi nội dung kiến thức chủ đạo mà tiết học phải đạt được. Nhiều trường hợp giáo viên do hiểu sai về giảng dạy theo hướng tích hợp nên đã dạy chồng chéo kiến thức của các môn liên quan trong khi đó yêu cầu của môn học là không cần thiết. Các phương pháp dạy và học nhiều khi chưa thật phù hợp, áp dụng chưa đồng bộ các phương pháp, học sinh đã ngại học các môn lý luận thì lại ngày càng thờ ơ với môn học…
Trong giảng dạy tích hợp, vì môn học giáo dục chính trị là một môn học đặc thù mang tính định hướng tư tưởng cho người học nên cần đảm bảo một số nguyên tắc về nội dung như sau:
Thứ nhất, bài giảng phải bám sát với giáo trình, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, đảm bảo tính định hướng đặc thù môn học, đồng thời còn phải bám sát thực tiễn về tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của thế giới nói chung và của đất nước nói riêng để bài giảng đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thứ hai, nguyên tắc không trùng lặp “dạy cái chưa có trên cơ sở cái đã có”, nội dung giảng dạy tích hợp mặc dù kết hợp liên môn nhưng vẫn phải đảm bảo về nội dung kiến thức chuẩn và dung lượng kiến thức của môn học, tránh tình trạng dạy đi dạy lại kiến thức của các môn khoa học khác.
Thứ ba, khi dạy các môn học này, giảng viên cần chú ý việc đưa thực tiễn vào bài học sao cho hợp lý. Tính hợp lý ở đây là những yếu tố thực tiễn phải là những yếu tố điển hình, nổi bật, các sự kiện phải mang tính thời sự, phải có thực, không thêm bớt, liên hệ với thực tiễn phải sát và phù hợp với những vấn đề lý luận mà giảng viên muốn chứng minh.
Việc tổ chức dạy học môn học Giáo dục Chính trị theo phương pháp tích hợp cũng phải đảm bảo quy trình chuẩn giống như các phương pháp khác như: Xây dựng kế hoạch dạy học; Thiết kế tiến trình dạy học; Chuẩn bị thiết bị dạy học và học liệu; Thiết kế đề kiểm travà phương pháp đánh giá.
Để bài giảng tích hợp môn học Giáo dục Chính trị đạt hiệu quả cao, việc xây dựng các phương pháp tích hợp cần đảm bảo những nội dung cụ thể như sau:
Một là: Các phương pháp khi giảng dạy tích hợp cũng cần phải được sử dụng một cách phù hợp, linh hoạt và sáng tạo để đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất. Khi sử dụng phương pháp tích hợp không có nghĩa là loại bỏ đi các phương pháp truyền thống mà đúng ra là làm cho các phương pháp ấy phát huy cao nhất tác dụng của nó. Phương pháp tích hợp chính là chất keo gắn kết các phương pháp giảng dạy lại với nhau.
Hai là: Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần sử dụng tốt các phương pháp giảng dạy tích cực như thảo luận nhóm, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp kể chuyện, phương pháp đóng vai… Bởi lẽ đây là những phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Ba là: Trong khi giảng dạy các môn lý luận chính trị, việc tổ chức cho học sinh đi thực tế để thăm quan các di tích lịch sử cũng như các cơ sở kinh tế để các em có thể so sánh đối chiếu, kiến thức đã học trong sách vở với thực tiễn là vô cùng cần thiết. Hình thức này có thể không phải áp dụng đối với tất cả sinh viên mà là có sự chọn lọc. Điều kiện để được lọt vào danh sách đi thăm quan đó là những em có thành tích cao của các lớp, những em sinh viên có nhiều đóng góp trong quá trình học trên lớp như hay phát biểu, thảo luận…
Bốn là: Để thu hút, tạo hứng thú cho học sinh khi học các môn này, chúng ta có thể tổ chức trò chơi như đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng chohọcsinh vào các những tiết thảo luận hoặc ôn tập cuối kỳ.
Năm là: Khi giảng dạy các môn giáo dục chính trị trong trường Trung cấp, chúng ta nên giảm áp lực đối với học sinhvề việc kiểm tra và thi cử, chúng ta có thể cho học sinh làm tiểu luận nộp bài thay cho hình thức làm bài thi truyền thống.
Việc sử dụng phương pháp giảng dạy tích hợp có thể áp dụng cho nhiều môn học khác nhau trong hệ đào tạo trung cấp. Áp dụng phương pháp này một cách khoa học là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Giáp Thị Lan – Khoa LLCS, NVVH&DL