VỀ TÁC PHẨM THƯ PHÁP BÀI THƠ XUÂN HIỂU CỦA MẠNH HẠO NHIÊN DO LÊ QUỐC VIỆT THỦ THƯ*

0
3223

   Ký túc xá trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (Đại học mỹ thuật Việt Nam) tối ngày 27 tháng chạp năm 1994 chuẩn bị bước sang năm Ất hợi vắng hoe. Sinh viên đã về nghỉ tết Nguyên Đán từ ngày 24 chỉ còn lại vài ba người ở lại tranh thủ làm thêm hoặc vướng bận một số việc. Sau một ngày đi làm, đã hơn mười giờ đêm tôi đang nằm dài đọc sách thì Lê Quốc Việt (sinh viên khoa đồ họa) về, dáng vẻ mệt mỏi – (dạo đó Lê Quốc Việt có mở một lớp dạy học chữ Hán – Nôm vào buổi tối, sinh viên mỹ thuật theo học khá đông. Sau dăm tháng anh em gửi tiền công dạy nhưng Lê Quốc Việt bảo:  toàn lũ cò hương kiết xác ăn thịt nhau sao được…”.  Vậy là chẳng ai bảo ai lớp học tan dần cuối cùng còn lại tôi là người lọ mọ theo đuổi cái thứ chữ loằng ngoằng này lâu nhất). Mỗi người mỗi tâm trạng khác nhau, chợt Lê Quốc Việt bảo: Mai tao về quê, có sẵn giấy bút viết cho mày mấy chữ (chúng tôi bằng tuổi nhau nên vẫn xưng hô như vậy). Sẵn đang đọc tập thơ Đường thế là tôi bảo viết cho bài thơ Xuân Hiểu của Mạnh Hạo Nhiên. Lê Quốc Việt phóng bút và ghi lạc khoản :Ất Hợi niên xuân Thích Tử Hạnh Minh Lê Quốc Việt thủ thư thân tặng bằng hữu Vũ Công Trí… Buông bút nói sẽ kiếm cho tôi sách học viết thư pháp và thỏi mực tốt… Thoáng chốc đã 24 năm trôi qua, bức thư pháp treo ở nhà bố mẹ tôi do không được bảo quản nên ẩm mốc đã rách mất mấy chữ vậy nhưng bút lực vẫn khoáng hoạt, nét chữ vẫn tươi nguyên trong mỗi độ xuân về:

       Phiên âm: Xuân Hiểu

                                   Mạnh Hạo Nhiên

                  Xuân miên bất giác hiểu

                  Xứ xứ văn đề điểu

                  Dạ lai phong vũ thanh

                  Hoa lạc tri đa thiểu.

        Dịch nghĩa: Buổi sớm mùa xuân

                  Giấc ngủ đêm xuân không biết trời đã sáng

                  Nơi nơi đều nghe có tiếng chim hót

                  Đêm qua có tiếng gió mưa

                  Không biết là hoa rụng nhiều hay ít?

        Dịch thơ:

Giấc xuân sáng chẳng biết

Khắp nơi chim ríu rít

Đêm nghe tiếng gió mưa

Hoa rụng nhiều hay ít

                  (Bản dịch của Tương Như)

        Bài thơ tứ tuyệt 20 chữ bình dị như chợt hiện, không hề trau chuốt đẽo gọt, dụng tâm, dụng ý. Buổi sớm mùa xuân như đến với con người còn đang trong giấc ngủ chợt tỉnh, thậm chí chưa ra khỏi giấc, đây là lúc vừa mới thức. Buổi sớm mùa xuân đến với thính giác của thi nhân, không hình, không ảnh, chỉ có những âm thanh đặc trưng làm tín hiệu “ Đất ấm ẩm cựamình” của đất trời đang rộn rã ngoài kia. Có lẽ chính tiếng chim ríu rít nơi nơi đã đánh thức báo hiệu trời sáng. Hai câu đầu là báo hiệu về mùa xuân. Tiếng chim nơi nơi báo hiệu, tâm hồn nhà thơ mở ra tiếp nhận âm thanh của một ngày thời tiết đẹp, nhưng rồi theo quy luật vận động chuyển tiếp chợt khiến thi nhân bất giác hồi tưởng tiếng gió mưa trong đêm. Gió và mưa mùa xuân chắc chắn là rất nhẹ, nhẹ lắm nhưng cũng làm cho thi nhân động lòng trắc ẩn”:

        Đêm nghe tiếng gió mưa

        Hoa rụng nhiều hay ít

        Hai câu sau là tiếc xuân, như tự hỏi lòng mình, ẩn ở nơi mình. Biết làm sao được, quy luật của thời gian, quy luật của tự nhiên là vậy. Nỗi băn khoăn với “Hoa lạc tri đa thiểu” cứ dư âm tự hỏi tự trả lời về lẽ vô thường của sự sống, của sự luân chuyển thời gian vô định. Biết là vậy nhưng vẫn ngậm ngùi khi thấy cái đẹp đang tàn phai, cái đẹp sao mà mong manh và vì mong manh nên càng biết trân trọng.  Mạnh Hạo Nhiên không hề thuyết giảng dông dài về đạo đức, về lòng bác ái nhưng một con người đêm nghe tiếng gió mưa, sớm tự hỏi về hoa như vậy chắc chắn rất tinh tế và nhạy cảm trước cái đẹp mong manh của cỏ cây hoa lá trong tiết xuân nhanh qua…

       Bài thơ tự nhiên, câu nào cũng như tự hỏi ở trong mình về mùa xuân, thời xuân đầy nghệ thuật. Bài thơ Xuân Hiểu của Mạnh Hạo Nhiên được nhiều người dịch và bình. Mỗi bản dịch và bình đều có vẻ hay riêng, Tản Đà thì thăng hoa bay bổng, Ngô Tất Tố thì đầy tài hoa trên nền nguyên tác, bản dịch củaTương Như thì gần với nguyên tác hơn.

        Bức tranh thư pháp về bài thơ Xuân Hiểu củaMạnh Hạo Nhiên do họa sỹ, nhà thư pháp Lê Quốc Việt  thủ thư thoáng đã 24 năm. Sóng thời gian tăm bạc vô thường, nhưng sự vận bút nhanh, chậm, trầm mặc và bay bổng, bút lực của tuổi đôi mươi vẫn căng tràn đam mê và khát vọng, vẫn hiển hiện trong từng nét chữ. Ngày xuân thưởng thức cái hay và cái đẹp của nội dung bài thơ, thưởng thức nghệ thuật thư pháp trước tác phẩm thư pháp Buổisớm mùa xuân thêm xuân…

        * Họa sỹ, nhà thư pháp Lê Quốc Việt là một trong năm người khởi xướng nhóm thư pháp Tiền vệ bậc nhất tại Việt Nam hiện nay, cũng là người trong hội đồng thẩm định, xét duyệt đánh giá trình độ của các nhà thư pháp được phép vào ngồi cho chữ ở phố “ông đồ” Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội hàng năm mỗi độ xuân về.   

        Vũ Công Trí – Khoa Mỹ thuật

 

 

Trả lời