Bồi dưỡng công nghệ thông tin cho giáo viên – một yêu cầu quan trọng trước thềm năm học của trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang

0
2838

Trong bối cảnh xã hội hiện nay công nghệ thông tin được sử dụng thường ngày, mang lại cho con người sự hiểu biết, nhận thức tốt hơn về những vấn đề trong đời sống xã hội, Việc bồi dưỡng công nghệ thông tin cho giáo viên trước thềm năm học mới những năm gần đây của trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang được coi là yêu cầu bắt buộc và thường kỳ của nhà trường. Tất cả các giáo viên đều phải tích cực học hỏi các kỹ năng về công nghệ thông tin ứng dụng trong công tác giảng dạy và những công việc khác.

  Về đội ngũ giáo viên giảng dạy tập huấn công nghệ thông tin

Giáo viên giảng dạy tập huấn công nghệ thông tin là những cán bộ kiêm giáo viên được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin và đã công tác trong nhà trường nên am hiểu những vấn đề đào tạo đặc thù về Âm nhạc, Mỹ thuật nên kiến thức giảng dạy về công nghệ thông tin sát thực hơn về các kỹ năng thiết kế bài giảng các môn học đặc thù.

Trong buổi tập huấn, giáo viên hướng dẫn từ những vấn đề cơ bản nhất như sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản, trình bày văn bản, cách tính điểm, thiết lập giáo án điện tử, thiết kế bài giảng sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra còn tập huấn bồi dưỡng những kiến thức về thể thức, quy trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật sao cho đúng quy định…, bồi dưỡng về các kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin tìm kiếm các tài liệu, thông tin trên Internet, thiết thực hiệu quả trong công tác giảng dạy của từng giáo viên chuyên ngành.

  Đối với giáo viên được bồi dưỡng

Đa số giáo viên có trình độ công nghệ thông tin không đồng đều, đây là dịp tập huấn hữu ích, thiết thực cho việc làm chủ công nghệ thông tin nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy của từng chuyên ngành. Người học bắt đầu bằng những điều sơ đẳng nhất, những phương pháp tiếp cận tích cực với công nghệ thông tin. Trong quá trình học tập và tự học có sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về những mô hình thiết kế bài giảng mẫu mực. Bồi dưỡng công nghệ thông tin giúp giáo viên thực hiện hợp lý công việc cần làm, bắt kịp thời đại đạt tới mục đích giảng dạy truyền đạt kiến thức tới học sinh một cách tốt nhất. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo linh hoạt trong quá trình giảng dạy một số môn học, cụ thể học sinh tiếp cận với những hệ thống kiến thức dễ dàng hơn rất nhiều như môn học về lịch sử mỹ thuật, lịch sử âm nhạc học sinh được nghe, được nhìn những tác phẩm nghệ thuật qua các phiên bản, hình ảnh cụ thể…

Công nghệ thông tin mang lại nhiều tiện ích, giáo viên được học tập làm chủ công nghệ thông tin sẽ không bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà luôn luôn gợi mở ra nhiều kiến thức mới cho cả giáo viên và học sinh không những các chuyên ngành đang giảng dạy mà còn sang các chuyên ngành khác, học hỏi các kỹ năng về sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng… Công nghệ thông tin còn là công cụ quan trọng trong vấn đề đổi mới phương pháp dạy học –  một trong những yếu tố giúp xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Những điểm cần khắc phục của đợt bồi dưỡng công nghệ thông tin

Là một trường đào tạo đặc thù về nghệ thuật âm nhạc và mỹ thuật nên không phải môn học nào cũng phải ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng. Giáo viên nên coi công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tìm kiếm các tài liệu, kiến thức phục vụ cho bài giảng, môn học.

Một số giáo viên mặc dù kiến thức công nghệ thông tin còn yếu nhưng trong đợt tập huấn bồi dưỡng kiến thức chưa thực sự học tập nghiêm túc hoặc vắng mặt nên kết quả đợt bồi dưỡng còn những hạn chế. Nội dung bồi dưỡng cũng cần có những kiến thức chuyên sâu cho các giáo viên chuyên ngành như: âm nhạc và mỹ thuật…

Đợt tập huấn bồi dưỡng công nghệ thông tin đã khép lại, các giáo viên còn yếu những mảng nào cần phải tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của đồng nghiệp để trau dồi kiến thức phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ được giao./.

Một số hình ảnh của buổi học tập.

      Vũ Công Trí – Khoa Mỹ thuật

Trả lời