VÀI NÉT VỀ LỄ HỘI CHÙA DĨNH KẾ – THÀNH PHỐ BẮC GIANG

0
6133

Lễ hội chùa Dĩnh Kế có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Chùa Dĩnh Kế không chỉ thờ Phật, ngưỡng vọng các bậc hiền tài khoa bảng, mà còn thờ bà “Chúa chợ” – bà Nguyễn Thị Chuyên đã có công mở mang chợ Kế thành trung tâm buôn bán sầm uất vào các dịp tuần rằm hàng tháng. Du khách thập phương về dự hội là về với phiên chợ Kế có đặc sản bánh đa, bánh đúc đã đi vào thơ ca từ bao đời.

Chùa Dĩnh Kế (còn gọi là chùa Kế) được khởi dựng cách ngày nay khoảng 700 năm. Đây là một danh lam cổ tự, là chi phái của chốn tổ Vĩnh Nghiêm thời Trần, là nơi nghỉ chân của các sư tăng trước khi về chốn tổ Vĩnh Nghiêm ngồi hạ.

Đầu thế kỷ XIII, sau khi đánh đuổi giặc Nguyên – Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, từ bỏ ngai vàng, vào Yên Tử tu hành rồi hiển Phật, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và cho mở mang chốn tổ Vĩnh Nghiêm (tức chùa Vĩnh Nghiêm, thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng). Khi đi qua vùng đất Dĩnh Kế, thấy khu đất này có thế địa linh, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng chùa Đống Nghiêm (chùa Dĩnh Kế) giữa trung tâm xã Dĩnh Kế lúc bấy giờ. Vua giao cho tổ Trần Như, pháp hiệu là Thanh Như trụ trì xây dựng chùa, đồng thời còn ban cho chùa Đống Nghiêm ba chữ vàng là “Chánh Giám viện” của tổ đình Vĩnh Nghiêm. Tổ Trần Như đã thay Tam Thánh tổ hoằng dương phật pháp, cứu độ chúng sinh.

Ngôi chùa có tên chữ là Đống Nghiêm tự. Theo tấm bia Nguyên cổ tích danh lam dựng vào mùa xuân năm Chính Hoà thứ 25 (1705) thì tên chùa Đống Nghiêm có nghĩa là: Sau trước trong ngoài yên mọi việc. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng sự tàn phá của thiên nhiên, đến nay ngôi chùa không còn giữ được nguyên vẹn như ngày đầu khởi dựng. Kiến trúc còn lại của chùa là tòa Tam bảo, hệ thống tượng Phật, bia đá, vườn tháp cùng các đồ thờ khá phong phú, độc đáo và được gìn giữ bảo quản cẩn thận.

Ngôi chùa vừa là trung tâm thờ Phật, hành lễ vừa là trung tâm hội họp, tổ chức lễ hội của nhân dân phường Dĩnh Kế từ xưa tới nay. Chùa Đống Nghiêm thực sự là một di tích lịch sử – văn hóa tích hợp được nhiều giá trị, một dấu gạch nối trên đường hành hương của các vị sư tăng thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần đến Vĩnh Nghiêm, Yên Tử kết hạ.

Với những giá trị nổi trội về lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, chùa Đống Nghiêm được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định số 226/QĐ-BT ngày 05/02/1994.

Lễ hội chùa Dĩnh Kế là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời ở trong vùng, là hình thức sinh hoạt văn hóa tôn giáo của cộng đồng dân cư nơi đây và du khách thập phương nhằm tưởng nhớ công lao của sư tổ Trần Như – người trụ trì khai móng chùa Dĩnh Kế. Trước đây, lễ hội chùa Dĩnh Kế được tổ chức trong ba ngày 15, 16, 17 tháng Ba (âm lịch) hàng năm. Năm 1990, UBND xã Dĩnh Kế (nay là phường Dĩnh Kế) xét thấy tổ chức lễ hội ba ngày ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, quyết định tổ chức lễ hội chùa Dĩnh Kế vào hai ngày 5 và 6 tháng Hai (âm lịch) cùng với ngày giỗ sư tổ Trần Như và ngày hội đó được duy trì đến nay.

Trong ngày hội, thông qua việc rước xách, dâng lễ vật cúng tế, mọi thế hệ người dân trong vùng Dĩnh Kế sẽ có dịp ôn lại và tưởng nhớ đến công lao của sư tổ Trần Như – một vị sư tổ thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cũng thông qua lễ hội đã cho chúng ta thấy việc ảnh hưởng sâu sắc của Thiền phái Trúc Lâm với những phong tục tập quán, lối tư duy… đối với người dân nơi đây. Đến hẹn lại lên, nhân dân trong khắp vùng Dĩnh Kế lại náo nức, hồ hởi đón chờ ngày hội lớn, ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng Kế. Mọi công việc tham gia rước, cúng tế… trong lễ hội đều được người dân thực hiện một cách tự giác, thành tâm, thành kính bởi họ quan niệm nếu mình được dân làng lựa chọn tham gia việc chung của làng với lễ hội thì đó là niềm vinh dự của gia đình, dòng họ. Sức hấp dẫn của lễ hội không chỉ đối với nhân dân địa phương mà còn vang xa tới du khách thập phương. Dân gian từ lâu vẫn lưu truyền câu ca: “Đồn rằng hội Kế tháng Ba/Không đi xem hội cũng già mất thân”. Có dịp về với lễ hội chùa Dĩnh Kế ta mới thấy và cảm nhận trực tiếp sức hút của lễ hội và muôn lòng hướng tới những điều chân – thiện – mỹ của dân tộc Việt Nam.

Tùy từng năm mà lễ hội có tổ chức sinh hoạt văn nghệ hay trò chơi dân gian hay không. Tuy nhiên, riêng hát Quan họ trên thuyền thì hầu như năm nào cũng tổ chức. Có một điều đáng quý là quan họ ở hội chùa Dĩnh Kế chỉ hát phục vụ bà con và du khách chứ không kinh doanh. Vì vậy ở đây không có hiện tượng ngã giá – trả tiền. Chủ nhà mến khách yêu quan họ thì mời nhau miếng trầu, tặng nhau câu hát. Khách thì trọng người biết giữ duyên quan họ cổ truyền.

Lễ hội chùa Dĩnh Kế phản ánh quá trình hình thành, phát triển của địa phương trong suốt các chặng đường lịch sử. Đây là một lễ hội có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Các giá trị ấy được kết tinh trong các giai đoạn thực hiện lễ hội: Cách tổ chức, nghi lễ, trang phục… Thông qua lễ hội đã góp phần cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, dân tộc học, Hán Nôm… trong việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của vùng đất Dĩnh Kế từ xưa đến nay. Cũng qua việc tìm hiểu lễ hội, các nhà nghiên cứu có cái nhìn rõ hơn về lịch sử, phong tục tập quán của người dân vùng Kế, nơi chứa đựng trong nó vốn văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc mang đậm nét cổ truyền vẫn được cộng đồng dân cư nơi đây lưu giữ và trao truyền cho thế hệ hậu sinh từ đời này qua đời khác.

Nguyễn Văn Trường – Phòng TC – HC – TH

 

Trả lời