Phường Dĩnh Kế nằm ở phía Đông Bắc thành phố Bắc Giang. Phường được thành lập theo Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ. Phường có diện tích 424,32 ha, dân số khoảng 11,315 người. Dĩnh Kế có điều kiện giao thông thuận lợi, có thể thông thương bằng hệ thống đường bộ tới các vùng miền trên cả nước. Đường thủy có thể thông qua ngòi Vu Gián, thuyền bè vào sông Thương ngược xuôi buôn bán. Từ xã ven đô, qua quá trình đô thị hóa nên diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng lớn. Trước đây, do nằm trong vùng đất chiêm trũng, chủ yếu cấy một vụ nên cuộc sống của người dân bấp bênh, vất vả. Ngoài cấy lúa, nhân dân còn trồng rau màu, cây ăn quả, nuôi thả cá và làm nghề thủ công. Trong đó có nghề lò rèn, làm bánh đa, làm mỳ gạo phát triển hơn cả đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho người dân.
Mỳ gạo Dĩnh Kế (còn gọi là mỳ Kế) đã được một số hộ sản xuất từ những năm 70- 80 của thế kỷ XX. Lúc bấy giờ chủ yếu tráng và thái mỳ bằng phương pháp thủ công (tráng bằng khuôn tay, thái bằng dao), mỗi lò mỳ chỉ tráng được khoảng 30-40 kg gạo mỗi ngày. Ngày ấy cứ mỗi tạ gạo sau khi sản xuất mỳ thành thương phẩm bán ra thị trường mua được từ 200 đến 250 kg thóc. Nhờ sản xuất mỳ mà các hộ đã xây được nhà kiên cố, mua sắm các thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình như: Xe máy, giường, tủ, tivi và nhiều đồ gia dụng đắt tiền khác.
Sang những năm cuối của thế kỷ XX đến nay, từ tráng mỳ và thái bằng phương pháp thủ công được thay thế bằng tráng và thái mỳ với phương pháp bán công nghiệp (tráng và thái mỳ bằng máy), năng suất được nâng lên rõ rệt. Mỗi lò tráng mỳ buổi sáng tráng được từ 350 đến 500 kg gạo. Thái mỳ trước đây bằng phương pháp thủ công mỗi lần thái 30 kg mỳ phải mất trên 5 giờ, nay thái bằng phương pháp bán công nghiệp (dùng mô tơ điện), với 100 kg mỳ thời gian chỉ mất khoảng hơn ba giờ. Các sợi mỳ đều nhau hơn, chất lượng mỳ được nâng lên rõ rệt. Đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Từ một vài hộ sản xuất mỳ gạo trước đây, nay toàn phường Dĩnh Kế đã có trên 200 hộ sản xuất. Có thời điểm vẫn không đủ mỳ để bán cho khách hàng về mua đem đi tiêu thụ ở các nơi khác, đặc biệt là tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thái Nguyên.
Mỳ Kế trước đây được làm trong những ngày nông nhàn, tranh thủ những lúc nhà nông vãn công việc ngoài đồng. Thì nay đã trở thành nghề chính của các hộ sản xuất. Tại Hội thi thợ tiểu thủ công nghiệp giỏi tỉnh Bắc Giang năm 2012 toàn xã (nay là phường) có 09 người đạt danh hiệu thợ giỏi, trong đó: 04 người sản xuất bánh đa Kế và 05 người sản xuất mỳ gạo.
Trong thời gian vừa qua tỉnh và thành phố Bắc Giang đã hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí để mua sắm máy và trang thiết bị phát triển nghề sản xuất mỳ gạo – Làng nghề trên địa bàn phường, chất lượng của mỳ Kế được nâng lên rất nhiều. Sợi dai, ăn ngon, khi nấu không bị nát và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã có nhiều khách hàng từ các nơi về đặt mua đem đi tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngày 16 tháng 02 năm 2009 mỳ Kế được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học và công nghệ Việt Nam ký Quyết định số 5790/QĐ-SHTT kèm theo Giấy chứng nhận số 136510 công nhận và bảo hộ thương hiệu đối với mỳ Kế. Đây là một sự kiện quan trọng để mỳ Kế được bảo hộ nhãn hiệu và có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nguyễn Văn Trường – Phòng TCHCTH