Những tác phẩm mỹ thuật hội họa, đồ họa và điêu khắc thường được trưng bày trong những không gian khác nhau để công chúng thưởng thức tác phẩm. Tranh thường treo trên tường, điêu khắc thì khác, có thể treo trên tường như tranh (Phù điêu), có thể bày trong không gian phòng, hoặc ngoài trời. Mỗi không gian trưng bày tác phẩm điêu khắc có những hiệu quả thẩm mỹ thị giác khác nhau, ở bài viết này, tác giả chỉ đề cập dến mảng tác phẩm điêu khắc ngoài trời và không gian văn hóa công cộng của tỉnh Bắc Giang…
Nói đến điêu khắc là nói đến không gian đa chiều, người xem có thể xem tác phẩm ở nhiều hướng khác nhau, có thể nhắm mắt và cảm nhận hình khối theo kiểu “Thầy bói xem voi” , có thể xem bốn xung quanh, từ trên nhìn xuống, từ dưới nhìn lên, từ xa tới gần trong không gian trong phòng hoặc không gian ngoài trời.
Điêu khắc ngoài trời là một loại hình nghệ thuật điêu khắc hết sức đặc trưng được gắn liền với không gian văn hóa công cộng bao gồm hệ thống tượng đài: tượng danh nhân, hình tượng chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam và phù điêu hai bên; tượng vườn: tượng nhỏ hơn tượng đài với nhiều nội dung và đề tài khác nhau trong cuộc sống; tượng trang trí kiến trúc: tượng mang tính biểu trưng hình khối kiến trúc gắn liền công trình kiến trúc. Mỗi loại có một ngôn ngữ về hình khối, tạo hình khác nhau sao cho phù hợp với không gian đặt tác phẩm. Tác phẩm không bị không gian ngoài trời “nuốt” mất hoặc “nuốt” mất cảnh quan ngoài trời.
Sự thành bại của tác phẩm điêu khắc ngoài trời, bên cạnh giá trị tự thân của nó còn ghi nhận một phần lớn từ không gian văn hóa nơi đặt tác phẩm. Những nhà điêu khắc từ khi còn đang học ở trường đại học cũng đã được học rất kỹ lưỡng về không gian đặt tác phẩm điêu khắc, từ trong phòng cho đến ngoài trời để tính toán, sáng tạo, ngôn ngữ hình khối sao cho phù hợp với từng không gian khác nhau. Không gian “thiêng” của điêu khắc đó là môi sinh chứ không chỉ đơn thuần là sự xấu đẹp của tác phẩm. Nhiều lần đưa bạn là những Điêu khắc gia ở xa về chơi tham quan những nơi đặt tượng ngoài trời trong tỉnh Bắc Giang, nhìn lại những tượng này được đánh giá là kém chất lượng đa phần đều hỏng từ môi sinh xung quanh tác phẩm.
Khi không gian môi trường sống ổn định và được quy chiếu bởi con mắt kiến trúc thì ngôn ngữ điêu khắc phát triển, ngược lại không gian đó định hình và đang trong quá trình thiết lập trật tự mới thì điêu khắc vào thế bất ổn.
Tại sao điêu khắc ngoài trời ít có mặt và hầu như không có mặt trong các quy hoạch kiến trúc Bắc Giang phải chăng vì chúng ta chưa nói hết lẽ về giá trị của nó đối với không gian văn hóa công cộng?
Nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc từ xưa tới nay vẫn luôn song hành như cặp bài trùng không thể tách rời để có một không gian văn hóa công cộng đẹp. Kiến trúc – Điêu khắc và trang trí không thể tách rời nếu muốn có một công trình đẹp. Kiến trúc – Điêu khắc và trang trí không thể tách rời nếu muốn có một không gian văn hóa công cộng đẹp. Môi sinh cho điêu khắc ngoài trời là hết sức cần thiết nhưng ngược lại điêu khắc ngoài trời có đóng góp gì cho không gian văn hóa công cộng?
Xét về mặt ý nghĩa xã hội chính của điêu khắc ngoài trời: Tượng đài, tượng vườn, tượng trang trí kiến trúc) thực tế của tỉnh Bắc Giang đã và đang tham gia tích cực vào cuộc sống và hình thành điểm nhấn văn hóa trong cảnh quan đô thị như tượng Hoàng Hoa Thám ở thị trấn Cầu Gồ – Yên Thế, tượng đài ở thị trấn Thắng – Hiệp Hòa, ở thành phố Bắc Giang có tượng Ngô Gia Tự và hệ thống tượng vườn trong công viên Ngô Gia Tự, tượng đài Hoàng Hoa Thám trong công viên Hoàng Hoa Thám, nhóm tượng chiến thắng ở khuôn viên đầu cầu sông Thương. Ngoài ra còn có tượng danh nhân yêu nước Nguyễn Khắc Nhu ở xã Song Khê, tượng sử thần Ngô Sỹ Liên trong khuôn viên trường cấp III Ngô Sỹ Liên. Hệ thống phù điêu trang trí kiến trúc phải nhắc đến là mảng trang trí ở trong và ngoài khu hội trường ở quảng trường 3/2 của tỉnh Bắc Giang …
Thật đáng tiếc nếu như không nhắc đến tượng đài chiến thắng ở ngã tư thị trấn Kép – Lạng Giang lừng lẫy trong giai đoạn lịch sử kháng chiến của dân tộc. Đây là một trong những tượng đài đẹp không những của tỉnh Bắc Giang mà còn là tượng đài đẹp trong hệ thống tượng đài toàn quốc. Điều đáng tiếc là không gian môi sinh bị phá hủy trầm trọng đã bức tử tượng này.
Những tượng đài, tượng vườn, phù điêu trang trí kiến trúc thành công đã trở thành điểm nhấn địa chỉ văn hóa không chỉ thu hút khách tham quan: Hoàng Hoa Thám – Cầu Gồ, Yên Thế, phù điêu trang trí kiến trúc khu Hội trường – Quảng trường 3/2 của tỉnh Bắc Giang… mà còn có ý nghĩa với ngay cả những người dân địa phương. Ở đây tượng đài trở thành một địa chỉ văn hóa có tầm mức phổ quát toàn quốc gắn với hình ảnh của một địa danh. Không chỉ có vậy, cùng với không gian xung quanh tượng đài trở thành một sân khấu lớn. Một địa điểm diễn ra các hoạt động từ vui chơi giải trí của người dân đến các hoạt động nghi thức, nghi lễ của tỉnh mỗi mùa lễ hội. Có được điều đó phải khẳng định có sự đóng góp quan trọng của tượng đài vào không gian văn hóa công cộng.
Khi phát triển tượng đài, tượng vườn, tượng phù điêu trang trí kiến trúc cần phải có sự đồng bộ giữa kiến trúc và điêu khắc và không gian văn hóa công cộng sẽ được phát huy đúng tác dụng của nó. Nếu như không có tượng đài, tượng vườn quy hoạch kiến trúc như hiện nay về vườn hoa, công viên sẽ hết sức đơn điệu. Ví dụ như những bức tượng nhỏ đặt ở ven hồ, lối đi trong công viên Ngô Gia Tự – thành phố Bắc Giang, xấu đẹp thế nào không biết, ý nghĩa gì cũng không hay, chưa bàn đến nhưng rõ ràng là từ khi đặt chúng không gian cảnh quan trong công viên đẹp hơn, khách tham quan thích chụp ảnh ở đây…
Nói đến tính hai chiều trong quan hệ điêu khắc ngoài trời và môi trường không gian văn hóa công cộng là nói đến sự hợp lý giữa tác phẩm với cảnh quan thiên nhiên. Chỉ khi có sự hợp lý hình khối, nội dung tác phẩm phù hợp, giá trị của tác phẩm mới được phát huy ra cảnh quan và được cảnh quan bồi đắp.Việc xác định vị trí vai trò của tác phẩm điêu khắc ngoài trời trong mối quan hệ môi trường xung quanh được coi như yếu tố quyết định đến giá trị tác phẩm sử dụng tính thẩm mỹ của nó.
Điêu khắc và không gian văn hóa công cộng lâu nay ở Bắc Giang vẫn đang thiếu tiếng nói và vắng bóng trong quy hoạch kiến trúc đô thị. Hy vọng trong tương lai trong quy hoạch kiến trúc phát triển những không gian khu văn hóa công cộng của tỉnh Bắc Giang, nghệ thuật điêu khắc ngoài trời sẽ được kết hợp đưa vào nâng cao giá trị công trình văn minh hiện đại./.
Vũ Công Trí – Khoa Mỹ thuật