Ngày 27 tháng 5 năm 1966 Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Bắc đã ký Quyết định số 689/TCDC thành lập Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp đào tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật của tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh). 55 năm trôi qua, biết bao thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh đã gắn bó và trưởng thành từ ngôi trường này. Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường (27/5/1966 – 27/5/2021), chúng ta có dịp ôn lại chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường, về những ngày tháng đầy khó khăn, thử thách. Thời kỳ mới ra đời, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập đơn sơ, chương trình, tài liệu giảng dạy hầu như chưa có, địa điểm dạy và học lại thường xuyên phải di chuyển do chiến tranh.
Qua những dòng hồi tưởng của các bác, các cô, các chú, các thầy cô giáo thế hệ đầu tiên của nhà trường, chúng ta cảm nhận được phần nào những gian lao khó khăn thiếu thốn nhưng tràn đầy niềm vui, niềm tin của thầy và trò của nhà trường ngày ấy. Lớp học vẫn diễn ra đều đặn trong những căn nhà tranh, vách đất, “tiếng hát át tiếng bom”, những tác phẩm hội họa, chương trình kịch nói, chèo, tuồng,… vẫn tiếp tục ra đời và được đánh giá cao trong các hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ.
Sau khi đất nước thống nhất, để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, ngày 04/6/1979 UBND tỉnh Hà Bắc đã ra quyết định số 334/QĐ-UB nâng cấp trường thành Trường Trung học Văn hóa – Thông tin Hà Bắc. Từ đây, lịch sử nhà trường bước sang một trang mới với một tâm thế mới, một nhiệm vụ chính trị mới. Thời kỳ này, trường đóng tại địa bàn cây số 4 (đường tỉnh lộ 34 cũ), xã Song Mai, thị xã Bắc Giang (nay là Thành phố Bắc Giang). Cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của nhà trường cũng được cải thiện: tăng thêm các khu nhà làm việc, lớp học, tài liệu giảng dạy, học tập được bổ sung… Các ngành nghề đào tạo mới được mở rộng. Ngoài các ngành đào tạo chủ đạo như Thư viện, Bảo tàng, Quản lý văn hóa, chủ nhiệm nhà văn hóa,… Nhà trường đã bắt đầu tổ chức khai giảng những khóa học đầu tiên về các ngành Âm nhạc, Múa, Hội họa, Sân khấu kịch,… thu hút đông đảo học sinh đến học tập. Việc học đi đối với hành cũng được nhà trường chú trọng hơn. Hằng năm, đặc biệt là vào các ngày lễ lớn, các dịp nghỉ hè, nhà trường thường tổ chức đưa các đoàn học sinh đi biểu diễn thực tập, thực tế, tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ chính trị cho các hoạt động của tỉnh, hoặc các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, chất lượng đào tạo được đảm bảo và ngày một nâng cao. Song để có thể duy trì được sự nghiệp đào tạo như vậy trong suốt một thời gian dài phải kể đến sự đóng góp công lao to lớn của thế hệ cán bộ, giáo viên lúc bấy giờ. Trong điều kiện kinh tế khó khăn cán bộ, giáo viên lương không đủ ăn, học sinh không có học bổng. Các khóa đào tạo âm nhạc, múa, sân khấu, hội họa, thông tin thư viện, văn hóa quần chúng vẫn đều đặn ra trường. Từ mái trường này, nhiều học sinh đã trưởng thành giữ nhiều vị trí quan troongjtrong lĩnh vực văn hóa của tỉnh, của trung ương, nhiều nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như: NSND Thúy Hường. Thúy Cải, Tự Long,; NSƯT Quý Tráng, Quang Vinh, Thanh Nhàn, Lệ Thanh, Trung Kiên, Hồng Luyến, Trần Tựa,… Ngày 20/01/1997, Ủy ban lâm thời tỉnh Bắc Giang ra quyết định số 53/UB về việc thành lập lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin, trong đó có trường Trung học Văn hóa nghệ thuật. Về cơ bản, bộ máy của nhà trường trên cơ sở khung và nhân lực của trường Trung học Văn hóa – Thông tin Hà Bắc cũ. Thời gian này, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể nhà trường đã đoàn kết thống nhất vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cán bộ văn hóa của địa phương. Chất lượng đào tạo cũng được nâng lên. Quy mô đào tạo được mở rộng với các ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương
như: Thanh nhạc, sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật,… Ngày 18/8/2008, theo Quyết định số 84/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang, trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập trên cơ sở trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Bắc Giang. Có thể nói, đây là một bước chuyển lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển trường. Sự nghiệp đào
tạo tiếp tục được chú trọng theo hướng mở rộng ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài các ngành đào tạo hiện có, các ngành đào tạo mới như: Quản lý thể dục thể thao, Quản lý và kinh doanh du lịch, Nghệ thuật biểu diễn dân ca Quan họ, Hướng dẫn viên du lịch,… tiếp tục được mở rộng; ngoài hệ đào tạo chính quy, nhà trường còn liên kết đào tạo Đại học hệ vừa làm vừa học, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn,… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước nói chung, trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, tuyển sinh cũng như việc sáp nhập, tự chủ… Tuy khó khăn như vậy nhưng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn luôn nỗ lực cố gắng để tiếp tục duy trì và phát triển nhà trường bằng cách đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, hệ đào tạo: hiện trường có tất cả 17 ngành đào tạo trình độ trung cấp, 03 chương trình sơ cấp nghề, cùng hàng chục chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể thao dành cho thanh thiếu nhi trong dịp hè; bao gồm đào tạo chính quy và liên kết đào tạo … xứng đáng trở thành địa chỉ tin cậy, thành cái nôi đào tạo Văn hóa Nghệ thuật cho con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đã 55 năm trôi qua từ ngày trường đặt tại Khắc Niệm (Tiên Sơn – Bắc Ninh) đến nay là thuộc địa bàn phường Xương Giang (thành phố Bắc Giang –Bắc Giang), trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã có một cơ ngơi khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, với tinh thần đổi mới, sáng tạo của tập thể Cấp ủy, Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên; Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã gặt hái được nhiều thành tích quan trọng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận: – Năm 2008: được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
– Năm 2011: được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
– Năm 2016: được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Và nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen, danh hiệu khác do các Bộ, ban ngành, các tổ chức, đoàn thể… tặng thưởng.
Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được tỉnh và ngành giao, đã đào tạo và bồi dưỡng được biết bao thế hệ học trò trở thành những cán bộ văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch cho các địa phương trong tỉnh nói riêng, khu vực và cả nước nói chung.
Để tiếp tục giữ vững thương hiệu cơ sở đào tạo uy tín và chất lượng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch của tỉnh nhà, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường quyết tâm, đoàn kết, phát huy truyền thống lịch sử sự nghiệp đào tạo vẻ vang của nhà trường. Những thành công đạt được trong 55 năm qua là nền tảng quan trọng và cũng là động lực để nhà trường tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển góp phần xứng đáng vào sự nghiệp “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”./.
Nguyễn Thị Liên – UV BCH Công đoàn