TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁT TƯỜNG TƯỢNG TAM ĐA: PHÚC – LỘC – THỌ

0
328

Trong một buổi dạy môn học Nghiên cứu vốn cổ có học sinh khoe nhà em có ba ông tượng Tam Đa từ ngày ông nội còn sống không biết đây có phải là vốn cổ không, và ý nghĩa nó thế nào bố em cũng không biết chỉ quen gọi là ông phúc, ông lộc, ông thọ … Là thói quen mọi người hay chơi hình tượng Tam Đa – phúc, lộc, thọ trong đời sống thôi, còn để hiểu đúng về ý nghĩa hình tượng đó đôi khi cũng rất mơ hồ thậm chí còn sai lạc…

* Nguồn gốc hình tượng Tam Đa: phúc – lộc – thọ.

Tam Đa phúc, lộc, thọ xuất xứ từ Trung Hoa xa xưa sau lan tỏa sang các nước Đông Nam Á. Sự tìm hiểu hình tượng cát tường Tam Đa – phúc, lộc, thọ sớm đã thấy từ đời Đường, có những cuốn sách viết về chuyện này như Ngọc Phù Đoàn Đồ của Cố Dã Vương, Đoan Ứng Đồ của Tôn Nhung Chi…Nguồn cội hình tượng đó đã qua hàng ngàn năm, đôi lúc bị uốn nặn thêm bớt có khi bị rườm rà thiếu tính thống nhất. Xin tạm nêu sách “Huyền thoại phương Đông” NXB Mỹ thuật 2003 cho rằng Châu Võ Đế là Phúc thần. Đạo giáo lúc đang hưng thịnh coi cổng Tam quan là một thần linh: giữa là Thiên quan Tứ phúc, bên trái là Đại quan xá tội, phải là Thủy quan giải ách. Ba cửa này đều liên quan tới họa, phúc, vinh, nhục ước vọng của con người nên gọi Đại Tam quan là ông phúc.

Đời Tống dựng miếu thờ Nam cực Lão nhân (Cụ già ở Nam cực) làm ông Thọ nên hình tượng có dáng ông già tóc trắng râu dài, trán nổi u cao, tay chống gậy cổ quái được cho chính là sao Thọ xuống trần. Trong thuyết tinh tú của Trung Hoa cổ đại, ông sao Thọ được gọi là Nam cực Lão nhân hoặc Nam cực Tiên ông. Hoàng đế Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh được Liêu Vĩnh Trung dâng lên một bức tranh trong đó vẽ một hòn đá ngầm vượt lên sóng lớn, ở bên khóm cỏ Linh chi có mấy con dơi bay quanh hòn đá. Tương truyền trước khi bức tranh đó được dâng lên quân sư Lưu Bá Ôn của Chu Nguyên Chương đã viết thêm tám chữ “Phúc Như Đông Hải, Thọ Tỷ Nam Sơn”. Phúc vận giống như biển Đông, tuổi thọ bền lâu như núi Nam Sơn. Chu Nguyên Chương lấy bức vẽ làm trang trí treo ở trong phòng của mình để cầu phúc. Bức vẽ này cũng được lưu truyền rộng ra trở thành bức vẽ tốt lành chúc tụng phúc, lộc, thọ lâu mãi mãi.

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này người viết chỉ dẫn ra ví dụ để cùng nhau tham khảo chứ không có ý định xác minh tính hợp lý của tư liệu, còn theo người viết thì thấy thích lý giải về hình tượng Tam Đa: phúc – lộc – thọ rằng: Tử vi Đại đế thường ở vùng Nguyên Chân Bắc Hải chuyên quản việc cho người ta Phúc vận gọi là Phúc tinh, Văn Xương Đế Quân ở vùng Tử Đồng Tây Thục chuyên quản việc cho người ta công danh lợi lộc gọi là Lộc tinh, còn Đan Lăng Chân Nhân thì ở Tiên đảo Nam Cực chuyên quản việc giúp người ta kéo dài tuổi thọ gọi là Thọ tinh. Dẫu sao họ có ba phương khác nhau, chỉ có đến dự yến tiệc mừng thọ Dao Trì của Tây Vương Mẫu mới có dịp tụ họp…

Trong văn hóa cổ điển Trung Hoa đã tồn tại rất nhiều bộ tam mang nhiều ý nghĩa như: Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân (trời, đất, người), Tam Tinh: Nhật – Nguyệt – Tinh (mặt trời, mặt trăng, các vì sao), Hoa Phong Tam Chúc (ba lời chúc ở đất hoa), Tuế Hàn Tam Hữu (Ba người bạn mùa đông giá rét), Tam Tinh Tại Hộ (Tam đa trong nhà), Tam Đa: phúc, lộc, thọ… Ban đầu là lời chúc mừng đa phúc, đa nam, đa thọ (giàu có, nhiều con trai, sống lâu) sau này được nghệ thuật tạo hình tạo tác thành ba ông phúc, lộc, thọ có khi là tranh vẽ, có khi là tượng. Trong dân gian người ta chơi tượng nhiều hơn.

* Hình tượng Tam Đa: Phúc –  lộc – thọ qua góc nhìn nghệ thuật tạo hình

Hình tượng Tam Đa – phúc, lộc, thọ được nghệ thuật tạo hình thành hình tượng ba ông già cao bằng nhau, bố cục theo dáng đứng. có thể là tranh, tượng, phù điêu. Kích thước có thể chỉ to bằng ngón tay, hoặc cao to như người thật, tùy theo người chơi, tùy theo không gian trưng bày mà kích thước có thể thay đổi. Chất liệu thì vô cùng phong phú như: gốm, sứ, đá, đồng, gỗ, xi măng, compositte… Tam Đa – phúc, lộc, thọ được xếp vào tượng mỹ nghệ dân gian tượng trưng, vì là tượng mỹ nghệ dân gian nên tạo hình cũng mang tính trang trí cao và vô cùng phong phú.

Ông phúc trong bộ trang phục áo thụng, đầu đội mũ vải mềm, khuôn mặt cười rạng rỡ sáng láng, râu dài, hình tướng pháp quyền rõ ràng, sống mũi thẳng dài, hình khối nây nả, miệng môi cười tươi… Tất cả thể hiện cho sự khỏe mạnh thông minh, thanh cao đĩnh ngộ, mãn nguyện và có hậu. Một tay ôm đứa trẻ, một tay đỡ dưới thể hiện sự nâng niu lực lượng thế hệ kế tiếp, nối dõi tông đường con đàn cháu đống, trên thuận dưới hòa. Ông Phúc trang phục không có đai to, mặt ngọc, chỉ có đai vải quấn lỏng hờ, đầu đai thả bộ xà tích có hình hai con dơi dang cánh được cách điệu thành hình vòng tròn gọi là Khánh phúc. Trong chữ Hán con dơi đọc là phức, ở bên phải chữ cũng có bộ nhất, bộ khẩu, bộ điền và phát âm gần giống chữ phúc nên dân gian dùng hình tượng con dơi để tượng trưng cho phúc vận.

Ông Lộc được tạo hình với khuôn mặt phương phi, pháp quyền đầy đặn, bộ râu dài năm chòm, trong tay cầm báu vật ngọc như ý, tay cầm ống quyển. Với trang phục áo đại quan uy nghiêm, mũ cánh chuồn lắc lư ngạo nghễ thể hiện rõ thế và quyền lực. hoa văn trang trí trên trang phục là rồng bay phượng múa, trên đai ngọc, trên mũ có rất nhiều ngọc ngà châu báu, gấu áo là sóng nước Thủy Ba… Điểm đặc trưng trong trang phục của ba ông thì ông Lộc có bộ trang phục cầu kỳ nhất.

Ông Thọ, theo dân gian xuất xứ là người nhà Trời xuống trần gian nên đã được tạo hình chân dung cổ quái nhất, đầu và trán khác thưởng như bị biến dạng nổi u nhô cao, hai bên thái dương kéo thẳng xuống cằm thành một mạch thẳng đầy đặn, một tay cầm gậy cong queo, cổ quái, đầu gậy có quả bầu nậm, một tay cầm trái đào tiên tương truyền là ở vườn đào của Tây Vương Mẫu trong hội Dao trì. Có những bức tượng ông Thọ còn tạo thêm cả con hươu bên cạnh (hình tượng con hươu cũng tượng trưng cho ý nghĩa trường thọ).Trang phục áo thụng buông nếp tự nhiên, trên áo hay được trang trí chữ thọ cách điệu trong hình tròn…

* Ý nghĩa hình tượng Tam Đa: Phúc – lộc – thọ  trong đời sống.

Ở giai đoạn đầu biểu tượng Tam Đa – phúc, lộc, thọ được chúc bằng lời, về sau ba điều ước đó trở thành biểu tượng của tinh thần và được nghệ thuật tạo hình thể hiện thành tranh, tượng hình cụ thể là ba ông già bao giờ cũng mang kích thước giống nhau như ba điều ước vọng vững trãi như kiềng ba chân xem như là một sáng tạo riêng biệt cụ thể hết sức độc đáo. Hình tượng cát tường Tam Đa xuất phát điểm là những câu chuyện Đa phúc, Đa lộc, Đa thọ là mong muốn của mỗi cá nhân và cũng là lời chúc mừng người khác. Từ lời chúc đến hình thành tác phẩm tạo hình Tam Đa – phúc, lộc, thọ như ngày nay là cả một quá trình lâu dài. Mặt khác, đặc trưng hình tượng Tam Đa – phúc, lộc, thọ là khéo dùng hình tượng cụ thể để diễn đạt những khái niệm trừu tượng. Ví như một con nhện đu mình bằng sợi tơ của nó – hàm chứa điều chúc phúc có tin mừng đến cửa. Năm con gà con vui đùa bên ổ là ký thác sự mong ngóng con cái khôn lớn. Một đôi chim cùng đậu hoặc cùng bay trước một khóm hoa mai hoặc cành trúc là muốn nói đến tình cảm yêu mến vợ chồng chúc cho trăm năm đầu bạc…

Vậy hình tượng Cát tường Tam Đa phúc – lộc – thọ được thể hiện như đã phân tích ở trên là những mong tái hiện bằng hình tượng cụ thể để mọi người muốn nắm bắt chuẩn xác ngôn ngữ tạo hình tượng mỹ nghệ. Cho nên nếu như làm được công việc truy tìm nhân tố cấu thành hình tượng Tam Đa phúc, lộc, thọ chẳng những có thể giúp hiểu được hàm nghĩa, ý nghĩa của hình tượng còn có thể lục lọi quá trình hình thành hình tượng cát tường ấy và đưa ra những lời giải thích thỏa đáng.

Tâm lý truyền thống cầu lành tránh dữ là tâm lý chung của con người hàng ngàn năm nay vẫn vậy. Những hình tượng cát tường tồn tại qua nhiều phương tiện như điêu khắc, kiến trúc, hội họa, hàng sơn khảm, trang sức, đồ gỗ, trên gốm, sứ, tranh trổ giấy, quảng cáo… làm vui mắt đông đảo thị hiếu đời sống của con người cho thấy hình tượng cát tường có một sức sống mạnh mẽ. Hình tượng cát tường Tam Đa phúc, lộc, thọ là một di sản văn hóa Trung Hoa du nhập vào kết hợp với văn hóa bản địa thành một biểu tượng may mắn những mong quốc thái dân an, sinh hoạt hạnh phúc, tuổi già trường thọ. Kế thừa văn hóa cát tường để bồi đắp cho tinh thần giữ gìn văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại.

                                                                        Vũ Công Trí

Trả lời