- Sự cần thiết của bậc học trung cấp trong quá trình học mỹ thuật
Là dạng một trường năng khiếu, chuyên ngành mỹ thuật có những đặc thù riêng của nó. Một mặt, những kỹ năng nó mang lại cho người học vẽ những khả năng cần phát hiện và bồi dưỡng từ rất sớm. Mặt khác đây là quá trình rèn luyện lâu dài, gian khổ một cách có phương pháp, tuần tự mà không có một người học nào có thể đi tắt, bởi muốn có những nhận thức, người học phải thông qua một quá trình tập luyện thực hành một cách nghiêm túc, lâu dài mà bước cao hơn luôn là kết quả nhận thức của bước trước. Hơn thế nữa những bước tưởng chừng như đơn giản, sơ đẳng có khi lại chính là những điều cốt lõi của nghề vẽ.
Những nhận thức người học vẽ phải tự chứng nghiệm thông qua sự luyện tập gian khổ của chính mình (đây cũng là nhầm lẫm của khá nhiều người học khi coi thường những bước đi cơ bản, dẫn đến sự lẫn lộn những khái niệm, dẫn đến sự hoang mang hụt hơi trong bước đường sáng tạo sau này, hoặc chờ đợi sự định nghĩa, sự giảng giải của người hướng dẫn mà không hiểu nhận thức trong nghệ thuật chỉ đến bằng sự “tự chứng nghiệm” chứ không phải bằng kiến thức, tri thức).
Chính vì lẽ đó, thời gian học của một người học vẽ rất lâu dài. Thông thường, lứa tuổi được tuyển chọn là rất sớm. Trước đây học sinh phải trải qua 7 năm Sơ, Trung cấp rồi mới bước vào Cao đẳng, Đại học, ít thì cũng phải trải qua 3 năm trung cấp để có thể học tiếp đại học.Và những lứa người học có được sự chuẩn bị ở hệ trung cấp, rõ ràng kết quả vững chãi hơn nhiều và đã có rất nhiều người đã trở thành những hoạ sỹ thành danh.
Thông thường, quá trình học tập Hội hoạ chia làm hai bước lớn: Bước thứ nhất được học hỏi nhằm chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, những nhận thức cơ sở, dùng việc thực hành là chính để tạo thói quen vẽ, từ đó nhận thức từ từ được tổng kết làm nền tảng cho bước nghiên cứu sau này ở hệ đại học, hoặc nếu không có điều kiện, người vẽ vẫn có khả năng tự nghiên cứu, hoàn thiện nhận thức của mình. Mặt khác, nếu cảm thấy không có hứng thú hoặc thiếu khả năng người học vẫn có thể sớm chuyển hướng sang bộ môn khác có thể gần với Hội hoạ như giảng dạy Hội hoạ ở các trường phổ thông, làm những công việc liên quan tới Hội hoạ như Quảng cáo… hoặc chí ít cũng tự trang bị cho mình một khả năng cảm nhận Hội hoạ làm cho cuộc sống tinh thần của mình phong phú thêm. Điều này giúp sàng lọc một cách tự nhiên những người có định hướng và khả năng học tiếp lên Đại học.
Bước thứ hai chuyên sâu hơn, mang nhiều tính học thuật, dùng phương pháp nghiên cứu để hình thành nhận thức cơ bản, hình thành phương pháp sáng tạo từ đó thúc đẩy sự sáng tạo cho học sinh. Công việc thực hành khẳng định cho nhận thức, tạo bản năng “vẽ” cho người học. Bước này cho người vẽ kiến thức sâu hơn, tạo điều kiện phát triển sáng tạo sau này.
Do thói quen coi bước sau cao hơn bước trước nên nhiều học sinh muốn đi tắt, hoặc không chú trọng đến bước thứ nhất mà đó thực chất là cơ bản, thiết yếu hơn. Trong thực tế, khá nhiều hoạ sỹ chỉ trải qua quá trình học trung cấp, khi tự học hỏi, nghiên cứu vẫn có thể làm việc một cách vững vàng dù không có điều kiện nghiên cứu tiếp ở hệ đại học.
Ở các trường đại học mỹ thuật trước đây luôn tổ chức tuyển sinh các hệ trung cấp tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cho hệ đại học, bên cạnh đó các trường trung cấp Văn hoá Nghệ thuật ở các địa phương (nay là trường trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đào tạo khá dồi dào để cung cấp đủ thí sinh chất lượng cho các trường đại học Mỹ thuật.
Tuy nhiên, nhiều năm nay đào tạo hệ trung cấp ở các trường đại học không còn, hệ trung cấp mỹ thuật ở các trường Trung cấp Văn hoá Thể thao và Du lịch một số tỉnh không còn, những tỉnh còn thì nguồn tuyển sinh luôn gặp khó khăn không được lựa chọn chất lượng đầu vào cũng như quy mô, thời gian đào tạo ngày một thu hẹp. Việc không có một giáo trình bài bản của hệ trung cấp mỹ thuật nên khả năng chuyên môn của học sinh không đồng đều, hoặc hiểu lệch các khái niệm cơ bản ảnh hưởng không ít tới kết quả học tập. Trong khi đầu vào không tốt, khả năng đào tạo có chất lượng trở nên thực sự khó khăn, trong bối cảnh đó vai trò của trường trung cấp Văn hoá Thể thao và Du lịch các địa phương trong đào tạo mỹ thuật càng trở nên thiết yếu.
- Thực trạng và giải pháp đào tạo hệ năng khiếu Hội hoạ trong trường trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang hiện nay
Thực trạng những năm gần đây, chuyên ngành năng khiếu Hội hoạ của nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh bởi nhiều nguyên nhân: một là số lượng thí sinh dự tuyển ít nên gần như không có sự lựa chọn những học sinh có năng khiếu, hai là đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp từ THCS nên sự nhận thức về lĩnh vực học Hội hoạ hầu như không có (đây cũng là tình trạng chung của các trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch trên cả nước trong giai đoạn hiện nay).
Nhận thức rõ vấn đề này nên trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang luôn cố gắng duy trì tuyển sinh và đào tạo các lớp chuyên ngành năng khiếu Hội hoạ với phương châm: Chất lượng tuyển sinh đầu vào không được lựa chọn nhưng chất lượng đầu ra phải đạt chuẩn. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên chuyên ngành mỹ thuật phải luôn không ngừng cố gắng, đổi mới với nhiều hình thức để nâng cao chất lượng đào tạo. Trước hết, Ban Giám hiệu đưa ra chủ trương điều chỉnh lại chương trình các môn học, bài học theo quy định trong từng học kỳ. Giáo viên đứng lớp trực tiếp tìm tòi, lựa chọn tài liệu giảng dạy sao cho phù hợp với nhận thức lứa tuổi các em học sinh; thay đổi và kết hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp giảng dạy, cân đối các tiết dạy giữa lý thuyết và thực hành, tăng cường các hoạt động ngoại khoá vẽ phong cảnh ngoài trời… Về phía học sinh, với thời gian đào tạo của hệ trung cấp hiện nay là 2 năm với 4 học kỳ, trong học kỳ đầu của năm thứ nhất học sinh hết sức bỡ ngỡ với những môn học cơ sở cũng như chuyên ngành mỹ thuật. Các em phải làm quen với các khái niệm, các đặc trưng của môn học, từ cách cầm bút vẽ đến các chất liệu trong mỹ thuật… và hết học kỳ đầu, các em đã có “ lưng vốn” kiến thức và nhận thức đủ, tự tin để hoàn thành các môn học ở các học kỳ tiếp theo.
Được sự quan tâm của Ban Giám hiệu cùng các thầy cô trong nhà trường và giáo viên chuyên ngành nên nhiều em đã có tranh treo trong các kỳ triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc, có em đã đạt giải cao trong các cuộc thi triển lãm học sinh sinh viên các trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch toàn quốc. Nhiều học sinh sau khi học xong trung cấp đã đủ tự tin thi tiếp và học lên đại học với những thành tích vượt trội nhờ kiến thức nền tảng ở quá trình học trung cấp. Nhiều học sinh đã trở thành những hoạ sỹ thành danh tại tỉnh nhà cũng như toàn quốc như Hoạ sỹ Lưu Thế Hân (Nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang 2002 – 2016) , Lưu Quang Lâm, Nguyễn Văn Tơn, Nguyễn Văn Cường (Phó giáo sư – Giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), Nguyễn Văn Trinh… có nhiều tranh được lưu giữ trong các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trên thế giới… Để có được những thành quả như vậy thì vai trò của trường trung cấp Văn hoá Thể thao và Du lịch Bắc Giang trong quá trình đào tạo học sinh năng khiếu mỹ thuật là hết sức quan trọng góp phần không nhỏ trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tạo nền tảng mỹ thuật vững vàng cho học sinh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Hiệu trưởng nhà trường về đổi mới chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên Mỹ thuật được đào tạo bài bản, công phu và có bề dày kinh nghiệm, nhiệt huyết trong giảng dạy sẽ đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo trung cấp năng khiếu Mỹ thuật trong giai đoạn hiện nay.
Vũ Công Trí – Khoa Văn hoá và Mỹ thuật