VĂN HỌC HIỆN ĐẠI – MỘT THÀNH TỰU CỦA HIỆN ĐẠI HOÁ VĂN HOÁ Ở VIỆT NAM

0
634

Hiện đại hoá văn hoá ở Việt Nam đi liền với tiến trình hiện đại hoá đất nước. Văn học Việt Nam là một bộ phận cấu thành của nền văn hoá, là một dòng chảy liên tục theo tiến trình lịch sử dân tộc, nó cũng có bước chuyển mình, hiện đại hoá như một quy luật tất yếu.

Văn học Việt Nam sau nhiều thế kỷ phát triển trong hệ thống thi pháp nghiêm ngặt và chặt chẽ của văn học trung đại. Đến cuối thế kỷ XIX, trong hoàn cảnh lịch sử xã hội đặc biệt có nhiều biến cố trọng đại, tính chất thời sự chi phối toàn bộ đời sống văn học và làm thay đổi diện mạo văn học. Để đáp ứng được yêu cầu của thời đại cũng như sự xuất hiện lực lượng sáng tác mới, nền văn học đã có bước chuyển mình chưa từng có trong lịch sử văn học dân tộc. Đây chính là quá trình hiện đại hoá văn học hay văn học hiện đại hóa. Quá trình này thành công góp phần tạo nên bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử văn hoá Việt Nam.

Để có được bước chuyển mình mạnh mẽ ấy, cần có những tiền đề là những thay đổi căn bản từ xã hội phong kiến sang xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc đại đã tạo điều kiện để văn học Việt Nam thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại để tiến sang hiện đại. Chính xã hội thuộc địa, cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm biến đổi căn bản kết cấu xã hội Việt Nam. Dưới chế độ thuộc địa ấy, xã hội Việt Nam xuất hiện những địa chủ sở hữu ruộng đất cò bay thẳng cánh với những nông dân làm thuê đông đảo; xã hội thuộc địa ấy cũng tạo ra những công trường khổng lồ với số lượng công nhân lên tới hàng vạn; rồi chính xã hội thuộc địa cũng là điều kiện để du nhập nền văn minh phương Tây vào Việt Nam. Đặc biệt, văn minh phương Tây tràn vào nước ta đã kéo theo sự ra đời của hai khái niệm dân chủ và văn minh, trở thành động lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, và cả văn hóa Việt Nam. Nhu cầu mang theo những giá trị văn hóa tinh thần, những người Pháp ở thuộc địa là những người tích cực truyền bá văn minh phương Tây vào nước ta, rồi cùng với nó là những nhà yêu nước, các chí sĩ cách mạng chống Tây cũng góp phần truyền bá tinh thần dân chủ và văn minh vào nước ta qua các nguồn tân thư Trung Quốc. Rồi sự xuất hiện của những nhà tư sản dư dật tiền cho con cháu ăn học, chế độ giáo dục đào tạo người bản xứ cho công cuộc “khai hóa” đã giúp truyền bá nhanh chóng tinh thần dân chủ – văn minh vào Việt Nam. Đây chính là tiền đề để văn học Việt Nam thực hiện công cuộc hiện đại hóa.

Nhìn lại quá trình hiện đại hoá văn học ở nước ta được bắt đầu từ những lý do nội tại. Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, ở nước ta, có một loạt cây bút đầy tài năng đã muốn vẫy vùng để thoát ra khỏi hệ thống thi pháp của văn học trung đại. Có thể kể đến như Phạm Thái, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…. Đó là thời đại khủng hoảng sâu sắc của hệ thống thi pháp văn học trung đại xuất hiện trên cơ sở sự khủng hoảng sâu sắc của chế độ phong kiến. Nhiều nhà thơ mong muốn bộc lộ cái tôi cá nhân của mình trong sáng tác. Ví dụ như trường hợp nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Mời trầu:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi

Lần đầu tiên trong văn học, một nữ thi sĩ dám xưng tên mình, đó là một thể hiện của vẫy vùng, khẳng định cái tôi mãnh liệt. Hồ Xuân Hương đã đem đến cho văn học Việt Nam một luồng gió mới, một nhu cầu cách tân.

Cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào năm 1858 đã làm cho xã hội Việt     Nam biến đổi sâu sắc: Biến đổi về giai cấp, văn hóa. Từ đó kéo theo sự thay đổi của lực lượng sáng tác, lực lượng tiếp nhận và nhu cầu thẩm mỹ cũng khác đi. Hơn nữa, từ cuối thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ được đưa vào Việt Nam theo con đường truyền đạo. Cho đến cuối thế kỷ XIX, nền văn học bằng chữ quốc ngữ được phát triển. Mặt khác, khi ấy, một lực lượng sáng tác mới rất hùng hậu, có trình độ và tiếp thu mạnh mẽ những ảnh hưởng của văn học phương Tây, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng cho nền văn học hiện đại hóa theo yêu cầu của thời đại. Văn học hiện đại hóa là nền văn học thoát ra khỏi hệ thống thi pháp của văn học trung đại.

Ở đây, khái niệm văn học hiện đại được hiểu theo nghĩa đối lập với tính chất và hình thái của văn học thời phong kiến (văn học trung đại). Cụ thể trên một vài đặc điểm: Văn học trung đại phản ánh và sáng tạo thông qua một hệ thống ước lệ hết sức dày đặc, phức tạp và nghiêm ngặt, với ba tính chất: Uyên bác, cách điệu hóa; sùng cổ và phi ngã. Văn học truyền thống hết sức coi trọng việc “chở” đạo đức, đạo lý, còn văn học hiện đại lại thiên về trình bày cái đẹp, cái thẩm mỹ, cuộc sống muôn màu, muôn vẻ…

Vì vậy, văn học hiện đại hóa là nền văn học thoát khỏi, bứt khỏi hệ thống thi pháp văn học nói trên. Song nó không hoàn toàn “đoạn tuyệt” với văn học trung đại mà nó còn giữ lại những yếu tố tích cực, phù hợp.

Theo giáo sư Phong Lê, có năm thành tố khiến văn học trung đại chuyển sang văn học hiện đại

+ Chữ viết: Từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ.

+ Biến chuyển về thể loại theo lối Tây hóa.

+ Tính chuyên nghiệp của nghề văn.

+ Chuyển động về đặc trưng, chức năng của văn học.

+ Hình thành cái tôi cá nhân và nhu cầu giải phóng cái tôi cá nhân.

Quá trình hiện đại hoá văn học trước hết được thể hiện qua ngôn ngữ. Văn học là loại hình nghệ thuật lấy chất liệu là ngôn từ. Do vậy, sự thay đổi chữ viết từ chữ Nho sang chữ Quốc ngữ sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học. Đầu , chính phủ Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910. Từ đó, chữ Quốc ngữ dần trở thành độc tôn trong khi địa vị Nho và càng mờ nhạt, lui dần vào quá khứ.

Chữ Quốc ngữ có ưu điểm vô cùng lớn là ghi âm tiếng Việt, dễ học và học nhanh nên rút ngắn thời gian trong việc sáng tác; dễ in ấn xuất bản hơn. Nếu nhà nho mất gần 10 năm để biết sử dụng chữ Nho thì giờ đây người ta có thể chỉ mất một năm để đọc viết thành thạo bằng chữ Quốc ngữ. Đó là thuận lợi không gì có thể so sánh của chữ Quốc ngữ đối với nền văn học Việt Nam. Nhân tố cơ bản đầu tiên thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam chính là ngôn ngữ.

Đằng sau ngôn ngữ thì thể loại văn học cũng được hiện đại hoá rõ nét. Nếu văn học trung đại luôn sử dụng những thể văn chiếu, cáo, hịch, tấu, biểu, rồi thơ thất ngôn bát cú Đường luật, thơ tứ tuyệt… với sự gò bó về mặt khuôn phép bởi đối, niêm, luật thì văn học hiện đại đã chuyển mình bằng cách dung nạp những thể loại mới của văn học phương Tây vào Việt Nam. Điều này đã mở ra chân trời mới trong sáng tác của các nhà văn. Tất nhiên, công cuộc định hình thể loại mới vấp phải sự đối kháng mạnh mẽ từ các nhà thơ cũ. Nhưng, dần dần, cái mới đã chiến thắng như một tất yếu lịch sử.

Các thể loại văn học mới từ phương Tây đã tràn vào Việt Nam một cách mạnh mẽ. Đó là tiểu thuyết, phóng sự, thơ tự do, kịch… làm văn đàn Việt Nam những năm đầu thể kỉ mang diện mạo hoàn toàn mới.

Tác giả và độc giả chính là yếu tố tiên quyết quyết định quá trình hiện đại hoá văn học. Trong thời trung đại, tuyệt nhiên các nhà văn không sống bằng nghiệp văn. Họ chủ yếu là những quan lại sống bằng bổng lộc của triều đình. Bước sang thời hiện đại, đã xuất hiện những nhà văn sống bằng cây bút mà giờ đây ta gọi họ là đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp. Chính sự xuất hiện của đội ngũ những nhà văn chuyên nghiệp đã tạo nên một bước phát triển mạnh mẽ cho văn học Việt Nam hiện đại khi nhu cầu sáng tạo hòa làm một với nhu cầu sống. Có lẽ, Tản Đà là người đầu tiên của đội ngũ này khi ông than rằng “văn chương hạ giới rẻ như bèo” và còn đòi gánh văn lên bán cả “chợ Trời”.

Sự xuất hiện của đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp còn được thôi thúc bởi công chúng văn học giờ đã thay đổi so với trước. Lúc này người đọc khát khao những câu chuyện trần thế gắn với những vấn đề của cuộc sống dân chủ đó là tình yêu, sự giải phóng cái tôi… nên cũng muốn thưởng thức những trang văn hiện đại được viết bởi những người Tây học. Từ đó tạo nên sự chuyển đổi đặc trưng – chức năng văn học

Mô hình “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” của văn chương trung đại giờ đã thành xưa cũ trước nhu cầu giải phóng cá nhân của con người. Văn chương giờ đây không phải là cỗ xe chở đạo nữa mà trở thành phát ngôn của khát vọng đời thường của con người. Đó là tình yêu, hạnh phúc cá nhân, tự do yêu đương, bài xích lễ giáo phong kiến… Do vậy, chức năng của văn học đã thay đổi hoàn toàn khác so với trước. Từ chỗ văn chương góp phần minh họa các tư tưởng trừu tượng, thì giờ đây chức năng của văn học là phục vụ con người trần thế, con người cá nhân với những nhu cầu trần tục hoàn toàn chính đáng và đáng được đề cao.

Tất cả những mới mẻ ấy là sự khẳng định và thể hiện nhu cầu giải phóng cái tôi cá nhân. Văn chương trung đại luôn đề cao và tuyệt đối hóa cái ta, còn văn chương hiện đại, cùng với sự phát triển của tinh thần dân chủ – văn minh trong lòng dân tộc đã đề cao và tuyệt đối hóa cái tôi. Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã hoàn toàn có lí khi khẳng định rằng: “thơ cũ là thời đại của cái ta, thơ mới là thời đại của cái tôi”. Khi cái tôi xuất hiện và được đề cao thì đồng thời nó cũng lớn tiếng đòi hỏi những nhu cầu của mình. Đó là những nhu cầu cá nhân trần tục nhưng chính đáng và nhân văn như đã nói ở trên.

Có thể nói, đầu thế kỷ XX với sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa và văn học phương Tây, từ những thể thơ truyền thống như: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, những hịch, những song thất lục bát, … gần như vắng bóng thì trường ca, thơ tự do, và cả những tứ thơ ảnh hưởng của thơ Pháp rất phổ biến.

Quá trình hiện đại hóa văn hóa ở mỗi quốc gia luôn là sự diễn tiến ngay trong nội tại quốc gia đó. Quá trình này, diễn ra song song với sự phát triển của kinh tế, chính trị và cả quân sự. Tiến trình hiện đại hóa văn hóa như một tất yếu diễn ra và thay đổi mạnh mẽ nhất là tiến trình hiện đại hóa văn học. Nhận định như vậy bởi: Văn học là một trong những thành tố quan trọng cấu thành văn hóa. Hiện đại hóa văn học là cơ sở, tiền đề cho những lĩnh vực khác âm nhạc, hội họa, điêu khắc…. chuyển mình theo, vận động theo hướng phục vụ nhân dân, hướng đến những mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc.

                             Trần Ái Vân – Khoa Thể thao và Du lịch

Trả lời