Triển lãm “Bắc Giang xưa ấy và nay” diễn ra từ 16h ngày 26/4 đến ngày
5/ 5/2014 tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền Hà Nội. Đây là triển lãm của nhóm hoạ sỹ, điêu khắc là giáo viên Trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang. Đến dự và chúc mừng triển lãm có lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giám đốc Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, các em học sinh Trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang và công chúng yêu nghệ thuật đến từ Bắc Giang và thủ đô Hà Nội.
Người nhiều tuổi nhất trong nhóm là thầy giáo, hoạ sỹ: Trương Đình Huy (1965) cùng các tác giả Trương Quang Hải (1970), Vũ Công Trí (1971), Phạm Công Chúc (1973) và Nguyễn Thị Thu Hằng (1976). Đây là một hoạt động mang tính cá nhân đậm chất nghệ thuật của các thầy, cô giáo thuộc khoa Văn hoá và Mỹ thuật mang đến công chúng Thủ đô với 67 tác phẩm tranh đủ các chất liệu: sơn mài, sơn dầu, Acrylic, giấy dó… phần điêu khắc có 35 tượng gỗ, gốm, và 11 phù điêu đồng gò.
Với nội dung và đề tài rộng, phong phú thể hiện tình yêu quê hương đất nước và con người mang đậm dấu ấn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là hình ảnh cuộc sống con người Bắc Giang. Mỗi nhà giáo, hoạ sỹ một phong cách, chất liệu khác nhau đã tạo nên những dấu ấn nhất định. Nhà giáo, hoạ sỹ Trương Đình Huy với 21 tác phẩm bột mầu, mầu nước trên giấy dó đầy chất ngẫu hứng không câu nệ cấu trúc, bố cục, mầu sắc nên có thể thoả sức sáng tạo tự do tạo nên những vẻ đẹp bất ngờ như tác phẩm “Giấc mơ”, “Trăng xanh”, “Ký ức xanh”… Trương Quang Hải với 16 tác phẩm chất liệu bột mầu trên vải màn và giấy dó, sơn dầu, nội dung tranh mang hồn cốt đồng quê đầy ấn tượng như tác phẩm “Chiều hạ”, “Lao xao mục đồng”, “Cầu vồng”… Phạm Công Chúc với 12 tác phẩm, vốn quê Bắc Ninh nên chất duyên Quan họ thấm đẫm trong từng tác phẩm. Với chất liệu Acrylic tươi sáng bắt mắt người xem như tác phẩm “Người ở đừng về”, “Liền anh liền chị”, “Ánh trăng quan họ”…. Nguyễn Thị Thu Hằng mang đến 18 tác phẩm sơn dầu và sơn mài, nếu mảng tranh sơn dầu mầu sắc rực rỡ đúng với chất liệu phương Tây hay sử dụng thì đối nghịch lại với bộ tranh sơn mài mang tên triết lý âm dương ngũ hành phương Đông thâm trầm, sâu lắng “Bình yên”, “ Giấc mơ mầu tím” “ Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ”… Vũ Công Trí với những tác phẩm phù điêu đồng gò sang trọng đối nghịch lại mảng tượng tròn chất liệu gỗ, gốm thô mộc, bình dị nhưng giầu cảm xúc, gần gũi chứa đựng tình cảm nồng ấm. “Nhớ sông”, “Đêm quan họ”, “Tắm sen”, “Hoa đá”, “Nguyên sinh”, “Không đề 1,2,3,4…”…
Tham dự và phát biểu khai mạc triển lãm, nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương – Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang nhấn mạnh: “… Rất tự hào về 5 hoạ sỹ, điêu khắc Bắc Giang đã có những đam mê, tâm huyết truyền tải những nét đẹp mang đậm tinh thần giá trị đời sống, ý nghĩa tới công chúng. Ở đây không có khoảng cách nghệ thuật giữa Trung ương và Địa phương, ở đây chỉ có nét Văn hoá rất phong cách, rất riêng của cá nhân các hoạ sỹ thể hiện qua từng tác phẩm những ước muốn lớn lao tốt đẹp của con người cùng tinh thần quyết tâm để đạt được ước muốn ấy. Các tác phẩm hướng đến những giá trị thẩm mỹ, nhân văn trong cuộc sống…”. Trả lời trước truyền hình VTV3, thầy giáo, hoạ sĩ Vũ Công Trí, nói: “ … Năm chúng tôi, người trước, người sau đều học một trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là đại học Mỹ thuật Việt Nam), rồi cùng làm giáo viên Trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang… chúng tôi luôn mong muốn tôn vinh, chuyển tải và lan toả những nét Văn hoá đặc trưng vùng đất và hình ảnh con người Bắc Giang đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật…”
Đây là cuộc triển lãm nhóm chung đầu tiên của các giáo viên giảng dạy mỹ thuật trong Trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho thấy, ngoài công việc giảng dạy còn thể hiện sức sáng tác nghệ thuật liên tục không mệt mỏi. Khát khao sáng tạo nghệ thuật thông qua các tác phẩm của mình, hướng đến những giá trị nhân văn, thấu hiểu những ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống và những điều tốt đẹp cho sự tổng hoà giữa giảng dạy và sáng tạo nghệ thuật.
Vũ Công Trí – Khoa Văn hoá – Mỹ thuật
Cô Trần Trang Nhung, thầy Trần Văn Quyền, phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang (áo trắng thứ 4, 5 từ trái sang phải) cùng các lãnh đạo Hội mỹ thuật Việt Nam, giám đốc nhà triển lãm, lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật Bắc Giang, Trung tâm văn hoá thông tin và triển lãm
Bắc Giang chuẩn bị cắt băng khai mạc triển lãm.
Tranh của hoạ sỹ Trương Quang Hải
Tranh của hoạ sỹ :Phạm Công Chúc
Tranh của hoạ sỹ Trương Đình Huy
Phù điêu đồng gò của Vũ Công Trí