“SEM” TRANH DÂN GIAN ĐÁM CƯỚI CHUỘT

0
320

Tranh dân gian Đám cưới chuột từ khi xuất hiện đã bao nhiêu cái tết năm Mão đi qua, bao nhiêu người viết về các dòng tranh chơi tết đều không quên nhắc về bức tranh này. Tuy cách viết khác nhau nhưng tựa chung một quan niệm: “Đây là bức tranh đặc sắc của nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ nhằm đả kích tệ tham nhũng, thói cá lớn nuốt cá bé của đẳng cấp thống trị. Ở đây việc nghênh hôn là việc vui mừng trong họ nhà chuột nhưng muốn được yên thân thì phải có lễ hậu cho mèo. Bức tranh ra đời trong chế độ Phong kiến mà đến nay vẫn mang đầy ý nghĩa…” Vậy tranh dân gian Đám cưới chuột có thực sự đúng như nhận định trên hay không người viết đưa ra “Sem” ở một số góc nhìn…

Tranh dân gian Việt Nam đã có từ lâu và thực sự đã trở thành nét tiêu biểu, một phong tục văn hóa rất được coi trọng mỗi dịp tết đến xuân về. Từng là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lao động. Tranh dân gian ra đời và phát triển theo nhu cầu thị hiếu và có mặt khắp nơi trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên việc sản xuất tranh chỉ có ở một số địa danh như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Hoàng Sơn (Nghệ An), làng Sình (Thừa Thiên Huế), Đồ Thế (Tây Ninh). Mỗi trung tâm có phương thức sản xuất, nguyên liệu tạo mầu khác nhau, đặc điểm, nội dung và mục đích sử dụng  cũng khác nhau nên “Sem” tranh cũng phải có trình thức mới có thể tiếp cận một cách tương đối chính xác về các dòng tranh này.

  1. “Sem” tranh Đám cưới chuột dưới góc nhìn thông tục

Làng Đông Hồ thuộc xã Đình Tổ – huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh là trung tâm sản xuất tranh dân gian lớn có bức tranh Đám cưới chuột nổi tiếng và quen thuộc với bất cứ người Việt nào. “Sem” tranh thấy hàng trên góc phải là mèo già đang ngồi vểnh râu múa vuốt oai phong với chữ góc phải trên lưng mèo là Miêu. Đối diện với mèo là khung cảnh tưng bừng vui vẻ thanh bình của một đám rước. Đi đầu là chuột già cụt đuôi (có lẽ đã bị mèo vồ hụt mấy lần đến mất cả đuôi) nên tinh ranh và đầy tinh quái dâng chim bồ câu; đồ cống nạp này giống như thông điệp hòa bình gửi đến mèo. Chữ minh họa dưới chân mèo là Tống lễ. Sau thông điệp xin kia là chuột dâng cá chép, món khoái khẩu của mèo. Để sự việc diễn ra cho đẹp mắt cũng cần phải “nịnh tai” nữa nên có Tác nhạc nghĩa là thổi kèn chúc tụng làm vui lòng mèo. Vừa dâng lễ vừa nịnh. Tiếp theo là Lão thử nghĩa là chuột già cũng phải tham gia Tống lễ với cây kèn chõ xuống đất như lời chúc cam chịu và kiên cường. Bụng đâu có muốn thế nhưng thế tay cầm kèn để thoát âm thanh như vậy có khác nào muốn tố cáo với đất trời sự việc này. Tất cả những hành vi trên chỉ để chuột trẻ không râu nhằm Thủ thân giữ lấy mạng sống đó là hai chữ cuối hàng trên của bức tranh. Tất cả hàng chuột trên mỗi con mỗi việc diễn ra nhằm một mục đích đánh lạc hướng để cho đám rước dâu nhà chuột ở dưới diễn ra được yên lành, chú rể chuột mới có thể Nghinh hôn đàng hoàng và thoát khỏi mèo ngoạm.

Bức tranh giải trình một cách giải quyết đối kháng giữa hai kẻ mạnh, yếu để cùng tồn tại. Tức là chấp nhận công khai sự thuần phục của mình bằng cống vật. Ấy thế mà đám cưới chuột (hàng dưới) vẫn phải ngó trước nhìn sau cảnh giới. Lễ trình tận miệng mèo rồi nhưng đâu chắc đã yên thân. Một bức tranh tăm tối về thế sự. Đây cũng chẳng phải chuyện quan hệ mèo – chuột mà chỉ là gợi ý cho con người một cách ứng xử khi ở cạnh kẻ mạnh luôn tìm cách ăn hiếp ta…

Ai cũng biết thù hận mèo – chuột truyền kiếp, là mối quan hệ đối kháng sống chết không đội trời chung, người đời cần mèo bởi chức năng duy nhất là bắt chuột thế nhưng trong tranh, mèo lại ngồi ung dung tự tại một góc cho đám cưới chuột diễn ra om xòm, tưng bừng, song loan, võng lọng, ngựa hồng kiệu hoa đủ cả, chỉ có thể; Mèo đã nhận lễ, nên ngồi đó nhưng mắt vẫn thao láo mở to và sẵn sàng ngoạm chuột bất cứ lúc nào…

2 ” Sem” Đám cưới chuột dưới góc nhìn nghệ thuật tạo hình

Tổng quát tranh Đám cưới chuột duới góc nhìn nghệ thuật tạo hình hết sức tinh tế, cô đọng và khái quát. Từ tên gọi bức tranh Đám cưới chuột đã được nhân hóa về một đám cưới; Song hỷ chỉ có ở con người nhưng lại hiện hữu ở loài chuột.  Tranh được vẽ theo lối nhập thần về tính chất đã thỏa mãn được tâm sinh lý người thưởng thức. Người xem tranh hình như đã “bỏ quên” nội dung đám cưới phi lý mà chỉ để ý đến cái hợp lý tạo nên vẻ đẹp của bức tranh trong nghệ thuật tạo hình.

Về không gian và bố cục trong tranh được thể hiện theo hai chiều đứng và ngang, không có chiều sâu. Bố cục không gian Đồng hiệnTẩu mã. Đồng thời và hiện hữu hình ảnh trên mặt phẳng không chính không phụ; Tẩu mã là lối bố cục hình thể chuyển động phía sau ngựa chạy… Bố cục chia làm hai cảnh, hàng trên hàng dưới, các nhân vật đã mở ra một không gian rộng hơn nhiều so với những gì ta nhìn thấy được. Hàng dưới hai con chuột đi sau kiệu cô dâu đang ngoái lại, hành động này dẫn hướng nhìn của người xem rằng cái đám cưới còn dài nữa vượt ra ngoài khổ tranh, hàng trên con chuột vắt đuôi vào mép tranh cũng có nghĩa như vậy.

Các mảng tạo hình nhân vật dàn trải khắp mặt tranh, các nhân vật được phân chia thành hai tuyến tính, hai hàng trên và dưới bằng nhau, có thể tách làm hai bố cục hoàn chỉnh hoặc hợp lại thành một. Đặc điểm bố cục này có lợi thế làm cho người xem còn có thể nhìn thấy hình thể các nhân vật trong đám cưới chuột còn ở ngoài, phía trước đã đi qua, phía sau  đang tiếp tục đi vào mặt tranh. Bố cục tranh còn kết hợp giữa chữ và hình để giải thích rõ hơn về chủ đề theo dạng tranh cổ “Thư họa đồng nguyên”.

Về tạo hình và nền tranh là sự phân bố hình và nền theo tiêu chuẩn “lấy con mắt làm đồng cân”, “thuận mắt ta ra mắt người”, cái đẹp ấy dễ làm cho nhân dân chấp nhận. Không có ý tả hình giống như thật, mà lấy hình để gợi ý đi thẳng vào chủ đề nội dung tranh. Từ đường nét, ánh sáng, tỷ lệ mang tính ước lệ nhưng đảm bảo tính cân đối cho hình vẽ vừa ít lệ thuộc vào khung hình tờ tranh. Trong sự ổn định của mảng, của hình nền và của tổng thể các hình trên bức tranh nghệ nhân đã khéo léo sắp xếp bố cục hình nền tạo ra một sự lấn át nhau phù hợp giữa mèo và chuột. Vị thế của mèo và chuột cùng hiện ra rõ ràng không chính không phụ, rành mạch được rút ra từ trạng thái tự nhiên những yếu tố tiêu biểu xuất phát từ yêu cầu chủ đề bức tranh. Tạo hình được nhân cách hóa hình mèo và chuột. Hình và mảng đã được lược bỏ những chi tiết rườm rà chỉ giữ lại những đặc điểm riêng để đủ nhận ra đây là mèo, là chuột. Tạo mảng bẹt và phân chia theo cấu trúc con vật thành khối tượng trưng để phối mầu. Mầu sắc được sử dụng năm mầu cơ bản tương ứng với ngũ hành: xanh lá (Mộc), đỏ (hỏa), vàng (Thổ),  đen (Thủy), trắng (Kim), Với tâm lý ưa mầu sắc tươi vui, sự phối mầu này dù có tương phản cũng vẫn dịu, rực rỡ mà không lòe loẹt lại rất nhuyễn đã tạo ra sự mềm mại hài hòa có sức truyền cảm mạnh mẽ.

  1. “Sem” dưới góc nhìn triết học.

Bức tranh dân gian Đám cưới chuột nếu bỏ qua mọi ngữ, nghĩa hiện đại thông tục mà người đời gắn ghép, áp đặt lên bức tranh về tầng lớp quan lại tham ô, nhũng nhiễu thì dưới góc nhìn tín ngưỡng Phồn thực ta có thể thấy một câu chuyện rất khác, rất Tết và rất triết lý về lẽ thường nhiên trong vũ trụ khôn cùng.

Mèo – Chuột là hai con vật đối kháng như : Nhất âmNhất dương sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái sinh 64 Quẻ hào tạo thành một vòng tuần hoàn vô cùng trong vũ trụ này. Mèo – Chuột như những cặp phạm trù đối lập tạo ra sự cân bằng : Thực – Hư, Động – Tĩnh, Hình thể – Nền đã tạo lập ra sự hài hòa và cân bằng trong tự nhiên. Hình mèo ngồi đó ngược hướng với chuột, tư thế rất Tĩnh nhưng lại là Động, còn những con chuột rất Động nhưng gặp mèo lại là Tĩnh.                                           Tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột không những đề cao sự hài hòa giữa Động – Tĩnh mà còn chủ động hướng nghệ thuật vào cái Tĩnh – Hư nhằm làm đối trọng cho những xu thế dục vọng (phồn thực) của con người.

Đám cưới chuột là một câu chuyện về sự no đủ, sự đầm ấm hạnh phúc. Con mèo no đủ với cống lễ là chim, cá mà biết đâu là chính những con chuột mang đồ đến biếu (Quy luật sinh diệt là lẽ thường nhiên), còn đám cưới tưng bừng phía hàng dưới trong bố cục tranh lại cho thấy sự hạnh phúc tràn trề. Về chi tiết các nhân vật có lẽ không thể bỏ qua ba chuột già  Tống lễ, Tác nhạc, Lão thử còn chuột trẻ thì phải Thủ thân. Vậy cống lễ ở đây cũng chính là cống lễ /Hiến thân. Vậy phải chăng thâm ý của người xưa không đơn giản là bàn về chuyện đời, mà thông qua hình ảnh con mèo, con chuột để họ muốn gửi gắm thông điệp về sự sinh diệt, tiêu trưởng của vũ trụ; về cái lẽ thường hằng của nhân sinh. Điều mà nếu nhìn tranh trên góc độ thông tục kể trên ta sẽ không bao giờ nhận thấy. Tương tự như vậy, nếu đám cưới chuột chỉ là một bức tranh châm biếm, thế tục thì vào thời  khắc quan trọng nhất của một năm, khởi đầu cho vạn sự, người Việt sẽ không ưa chuộng để đề cao. Họ ngưỡng vọng những giá trị khác về sự no đủ, hạnh phúc, thì Đám cưới chuột còn nhấn mạnh đến biểu tượng đông con, nhiều cháu từ đặc tính của loài chuột sinh đàn nhiều này. Đám cưới cũng là thời khắc khởi đầu cho câu chuyện con đàn cháu đống…

Như vậy, “Sem” tranh nói chung và “ Sem” tranh dân gian Đám cưới chuột xem ra cũng cần có những trình thức tiếp cận nhất định. Tranh dân gian Việt Nam và tranh dân gian Đám cưới chuột nói riêng là loại tranh tết người xưa thường chơi, ngoài yếu tố bình dân về hình thức ai cũng hiểu, còn nội dung và ý nghĩa sâu xa của nghệ nhân sáng tạo và gửi gắm thì cần lắm những người có “Chữ” để có thể “Đọc” được. Tranh Đám cưới chuột trải qua nhiều thế kỷ đến nay vẫn được mọi người trong và ngoài nước yêu thích. Trong xu thế tìm về cội nguồn, xây dựng nền nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, tranh Đám cưới chuột là một tài sản quý giá trong kho tàng văn hóa nước nhà đang được quan tâm để tiếp tục tỏa sáng những giá trị nghệ thuật trong đời sống xã hội đương đại như nó đã tỏa sáng trong quá khứ dân tộc…

                                                                   Vũ Công Trí

 

Trả lời