ĐỀ TÀI VŨ TRANG BIÊN GIỚI TRONG TÁC PHẨM TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC III TÂY BẮC – VIỆT BẮC

0
33

Khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc là khu vực có đường biên giới với 2 nước Trung Quốc và Lào, đây là vùng đất cội nguồn của Cách mạng dân tộc, một thời là chiến khu xưa, là “Thủ đô gió ngàn” thời chống Pháp. Nhiều địa danh đã đi vào lịch sử mỹ thuật hiện đại như: Đại hội Văn hóa toàn quốc, Đại hội Văn nghệ toàn quốc, và một Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc “độc nhất vô nhị” không tổ chức tại thủ đô Hà Nội mà tổ chức ở thủ đô kháng chiến năm 1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Triển lãm này Bác Hồ không tới xem được nên đã gửi thư cho các họa sỹ, trong đó, Bác viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”…

Khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc với 15 tỉnh mang nặng dấu ấn văn hóa lịch sử hào hùng, đến nay vẫn là điểm đến du lịch hấp dẫn của mọi tầng lớp nhân dân cả nước, quốc tế nói chung và của giới Văn học nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng, trong đó mỹ thuật là một điểm nhấn rõ rệt. Nơi đây, với phong cảnh vùng núi cao, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như dân tộc Dao, H’mông, Thái, Mường, Tày, Nùng… Tây Bắc – Việt Bắc là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho các nhà nhiếp ảnh, các họa sỹ với những đề tài thường xuất hiện trong các tác phẩm mỹ thuật tại các kỳ triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc.

Những đề tài mang sắc thái: Phong cảnh vùng cao, văn hóa sinh hoạt trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, lễ hội, chợ phiên, chân dung thiếu nữ dân tộc…

Các tác phẩm thường được các họa sỹ đặt tên mang nội dung như về chợ có:

Chợ phiên, Chợ tình, Xuống chợ, Chơi chợ vùng cao, Chợ Bắc Hà, Chợ tình Khau Vai, Chợ Sin Suối Hồ…; về Lễ hội: Hội cầu mùa, Hội nhảy lửa, Lễ cấp sắc, Lễ Cơm mới, Khèn lá, Múa khèn, Gọi bạn, Ném còn, Đua ngựa Bắc Hà…về nghề: Dệt thổ cẩm, Dệt lanh, Se sợi, Lên nương…về con người: Chân dung thiếu nữ vùng cao, Chân dung em bé…

Một số đề tài khác mang tính xã hội như: Xây dựng trường mới, Công trường thủy điện Sơn La, Thủy điện Thác Bà, Điện lưới về bản, Xây cầu, Xóa đói giảm nghèo, Gieo chữ vùng cao…

Trong các tác phẩm ở triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc ngoài những đề tài quen thuộc trên thì rất hiếm hoi những tác phẩm họa sỹ vẽ về đề tài lực lượng vũ trang Biên giới: Bộ đội Biên phòng, Dân quân vùng cao, Tình quân dân vùng biên… Mảng đề tài này gần như vẫn vắng bóng.

Mặc dù như ở phần trên đã nói, khu vực III Tây Bắc- Việt Bắc là vùng đất có đường biên giới kéo dài nhiều tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc và Lào, có lịch sử hào hùng trong đấu tranh bảo vệ từng tấc đất của quân đội và nhân dân Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Dân quân vùng biên đã phải ngày đêm cắm chốt, ngày đêm canh giữ từng tấc đất biên cương của tổ quốc. Thế nhưng nội dung đề tài này lại xuất hiện rất ít tại triển lãm khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc, từ tác phẩm hội họa, đồ họa cho đến điêu khắc. Đôi khi cũng có một số họa sỹ vẽ nhưng lại hết sức mờ nhạt không để lại ấn tượng gì nhiều cho người xem.

Câu hỏi được đặt ra: Vì sao những đề tài về: Biên giới, Bộ đội Biên phòng, Dân quân vùng cao, Cuộc sống vùng biên lại không được các họa sỹ chú ý nhiều và đưa vào trong các tác phẩm mỹ thuật. Người viết mạnh dạn đưa ra mấy lý do:

* Thứ nhất: Đây là một đề tài khó, rất khó đối với các họa sỹ nói chung, nhất là đối với các họa sỹ trẻ. Ngoài các họa sỹ gạo cội có tuổi đời, tuổi nghề cao, sống qua các giai đoạn kháng chiến nên có những hiểu biết, vốn sống khi xây dựng tác phẩm và gặt hái những thành công nhất định như họa sỹ: Lưu Thế Hân (Bắc Giang) với tác phẩm: Mẹ chiến sỹ, Bên chiến tích; Anh Vũ (Bắc Giang) với tác phẩm Hoa Ban biên giới; Lê Duy Ngoạn (Vĩnh Phúc) với tác phẩm Nỗi đau da cam; Nguyễn Văn Lưu (Vĩnh Phúc) với tác phẩm Du kích Chiềng Khoi, Du Kích Tây Bắc. Tác giả trẻ hơn có Vũ Công Trí (Bắc Giang) với tác phẩm Chiến tranh đã đi qua; Triệu Ngọc Thạch (Vĩnh Phúc) với tác phẩm Ngày trở về; Đặng Văn Tuấn (Bắc Giang) với tác phẩm Tổ quốc ghi công…

* Thứ hai: Các họa sỹ trẻ cảm thấy nội dung đề tài này khi xây dựng tác phẩm sẽ không đẹp và hấp dẫn, và cũng không được ái mộ. Ở đây thực ra các họa sỹ trẻ chưa thực sự quan tâm, chưa đủ vốn sống, chưa đủ tầm và thiếu tư liệu thực tế.

* Thứ ba: Mặc dù các họa sỹ sống trong khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc nhưng có rất ít cơ hội đi thực tế về Bộ đội Biên phòng, Dân quân vùng biên, nên không có tư liệu thực tế, không có vốn sống và cảm xúc, có chăng cũng chỉ là tìm hiểu qua tư liệu internet, báo chí nên có vẽ cũng hết sức hời hợt, khô cứng gượng ép không gây xúc động cho người xem.

* Thứ tư: Đề tài này trong tác phẩm mỹ thuật cũng không được các cấp, các ngành quan tâm đúng nghĩa. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đặc biệt với vùng sâu biên giới, vùng núi cao nhưng các tác giả là họa sỹ sáng tác về đề tài này lại không nằm trong sự đặc thù đó.

Với bốn yếu tố trên có thể phần nào thấy vì sao đề tài hình tượng Bộ đội Biên phòng, Dân quân vùng biên, Tình quân dân nơi biên giới… vắng bóng trong các tác phẩm mỹ thuật. Để khắc phục tình trạng này tôi xin nêu một số phương án:

Về phía các họa sỹ trong khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc cần quan tâm nhiều hơn đế đề tài này.

Về phía Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội văn học nghệ thuật địa phương cần có những mô hình chính sách thích hợp tập hợp các tác giả có thế mạnh sáng tác chuyên sâu về đề tài Bộ đội Biên phòng, Biên giới, Dân quân vùng cao trong khu vực thành trại sáng tác, tổ chức đi thực tế, hỗ trợ sáng tác về vật tư họa phẩm, khuyến khích các họa sỹ quan tâm sáng tác thường xuyên mới mong có những tác phẩm tốt về đề tài này.

Hy vọng trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc những năm sau, đề tài biên giới, Bộ đội Biên phòng, Dân quân vùng biên… sẽ xuất hiện một cách ấn tượng trong các tác phẩm mỹ thuật, mang lại những giá trị nghệ thuật cho công chúng.

Họa sỹ  Vũ Công Trí – Chi hội trưởng Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Bắc Giang

 

 

Trả lời