Lịch sử hình thành

  I- Lịch sử hình thành.

Tên đơn vị: Trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang

Địa chỉ: Quán thành, Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

ĐT: 0240.3854620; Website: rolgdl.com

Tiền thân là trường sơ cấp văn hóa nghệ thuật hà Bắc, được thành lập theo Quyết định số 689/TCDC ngày 27/5/1966 của UBHC tỉnh Hà Bắc.

Ngày 4/6/1979 UBND tỉnh Hà Bắc ra Quyết định số  334/QĐ – UB nâng trường Sơ cấp Văn hoá Nghệ thuật lên thành trường Trung học Văn hoá Thông tin Hà Bắc trực thuộc Ty VHTT Hà Bắc.

Ngày 20/1/1997 UBND tỉnh Bắc Giang Quyết định số 53/UBND lâm thời tỉnh Bắc Giang thành lập trường Trung học Văn hoá nghệ thuật Bắc Giang.

Ngày 18/8/2008 UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 84/QĐ về việc thành lập trường Trung cấp văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang trực thuộc Sở VHTT &DL tỉnh Bắc Giang.

II- Giới thiệu quá trình phát triển.

Cách đây 47 năm, ngày 27/5/1966 với Quyết định số 689/TCDC của UBHC tỉnh Hà Bắc, đã chính thức thành lập trường Văn hóa nghệ thuật (VHNT). Tiếp đó, ngày 04/6/1979 tại Quyết định số 334/QĐ/UB của UBND tỉnh Hà Bắc nâng trường sơ cấp VHNT lên thành trường Trung học Văn hóa – Thông tin Hà Bắc, trực thuộc Ty Văn hóa và Thông tin Hà Bắc, tiền thân của trường Trung học VHNT Bắc Giang hôm nay. Đây là điểm mốc lịch sử quan trọng ghi dấu ấn sự hình thành và phát triển của một trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ, cán bộ làm công tác văn hóa thông tin, ươm mầm, nuôi dưỡng, định hướng những tài năng nghệ thuật phục vụ cho sự nghiệp văn hóa thông tin của ngành, sự phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh.

Là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Bắc (Trước đây), trường trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang hôm nay được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử ngành Văn hóa- Thông tin, Thể thao và Du lịch. Tính từ khi thành lập, có thể chia sự hình thành và phát triển sự nghiệp nhà trường làm ba giai đoạn chính:

Từ 1966 đến 1978, giai đoạn trường sơ cấp văn hóa nghệ thuật.

Năm 1965 công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đang phát triển làm hậu thuẫn cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Trước những chủ trương chính sách về công tác phát triển sự nghiệp văn hóa của Đảng, những Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch của Ty Văn hóa đã đòi hỏi hình thành những yếu tố tiền đề cho việc thành lập trường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn cần có những cán bộ làm công tác văn hóa  văn nghệ, thông tin tuyên truyền ở cơ sở.

Ngày 27/5/1966 Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Bắc ra Quyết định số 689/TCDC thành lập trường Văn hóa nghệ thuật, thực thuộc Ty Văn hóa Hà Bắc. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho phong trào văn hóa trong tỉnh. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa ngắn ngày cho cán bộ văn hóa cơ sở. Địa điểm của trường tại xã Song Vân, huyện Tân Yên, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đơn sơ, vài ba phòng học tạm bợ kiểu thời chiến… đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường lúc này là những cán bộ văn hóa thông tin đã qua đào tạo bồi dưỡng, có năng khiếu về âm nhạc và sân khấu được phân công đảm nhận nhiệm vụ tổ chức thực hiện những bước đi ban đầu, trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ. Trường đã đào tạo được nhiều lớp với các chuyên ngành khác nhau như đạo diễn, kịch nói,âm nhạc, hội họa, quan họ… các lớp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đủ điều kiện tốt nghiệp đã được cấp bằng sơ cấp. Cùng với việc đào tạo các lớp chính quy, trường đã  tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn ngắn ngày cho các hạt nhân phong trào văn nghệ ở các làng xã mọi vùng của tỉnh Hà Bắc cũ. Từ nguồn đào tạo này các cơ sở xây dựng phong trào. Chính họ lại nhân lên những hạt nhân mới làm sống động đời sống văn hóa văn nghệ trên khắp các bản làng, công sở, xí nghiệp. Họ thực sự là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt.

Cơ cấu tổ chức của trường thời kỳ này rất gọn nhẹ: năm 1968 đồng chí Nguyễn Hào được Ty Văn hóa giao nhiệm vụ phụ trách trường. Từ năm 1971 đồng chí Nguyễn Vinh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường sơ cấp VHNT Hà Bắc. Các thày Đỗ Minh Châu, thày Trần Minh, cô Lệ Nhiễm… là những thày cô giáo vừa là cán bộ nòng cốt thuở ban đầu xây dựng trường vừa trực tiếp tham gia giảng dạy các thế hệ học sinh.

Có thể khẳng định, trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nhiều bề về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên… nhưng nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng những đòi hỏi của bối cảnh đất nước và thực tế cuộc sống, tạo tiều đề cho các bước tiếp sau của sự phát triển nhà trường.

Từ năm 1979 đến 1996, giai đoạn trường Trung học Văn hóa – Thông tin Hà Bắc.

Những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ XX, sự nghiệp cách mạng dân tộc đang hàng ngày đổi mới, nhu cầu về nâng cao đời sống văn hóa văn nghệ của nhân dân ngày càng lớn, đòi hỏi bức thiết đội ngũ cán bộ VHTT cần phải được đào tạo chính quy, có trình độ nghiệp vụ ở mức cao hơn. Năm 1978 Ty Văn hóa và Thông tin Hà Bắc đề nghị Bộ Văn hóa mở lớp Trung cấp Thư viện tại trường VHNT ( Thư viện khóa I: 1978 – 1981 ). Như vậy, trường đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của sự nghiệp đào tạo. Căn cứ đề nghị của Trưởng Ty Văn hóa và thông tin, UBND tỉnh Hà Bắc ra Quyết định số 334/QĐ-UB,ngày 04/6/1979 nâng trường Sơ học VHNT lên thành trường Trung học Văn hóa và thông tin Hà Bắc. Một giai đoạn mới trong sự nghiệp đào tạo của nhà trường được mở ra . Cùng với việc nâng cấp trình độ đào tạo từ sơ cấp lên trung cấp, các chuyên ngành đào tạo cũng được mở rộng như nghiệp vụ văn hóa: Thư viện, phát hành sách, bảo tồn bảo tàng, văn hóa quần chúng. Các ngành nghệ thuật: Diễn viên hát, múa, nhạc, dân ca quan họ, chèo, kịch nói, mỹ thuật. Quy mô đào tạo từ 500 đến 600 học sinh. Tổ chức bộ máy đã được kiện toàn gồm: Ban Giám hiệu, các phòng nghiệp vụ: phòng Tổ chức và giáo dục chính trị; phòng Hành chính quản trị, tài vụ, thiết bị vật tư; phòng giáo vụ; các bộ môn giảng dạy. Đội ngũ giáo viên đã dần được bổ sung đáp ứng quy mô đào tạo và yêu cầu nâng cao trình độ giảng dạy.

Năm 1990, trường chuyển địa điểm từ xã Song Mai về Quán Thành, xã Xương Giang, thị xã Bắc Giang đồng thời chuyển hướng đào tạo, từ đào tạo cán bộ văn hóa quần chúng là chủ yếu, chuyển dần sang việc đào tạo cán bộ năng khiếu nghệ thuật là chính. Năm 1993, trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy nhạc – họa bậc Tiểu học bổ sung cho ngành giáo dục phổ thông trong tỉnh. Việc nhà trường được giao thêm ngành đào tạo mới đã khẳng định vai trò, vị trí, khả năng của một trường chuyên nghiệp đặc thù cấp tỉnh.

Năm 1997 tỉnh Bắc Giang được tái lập. Trường Trung học VHNT Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 53/UB,ngày 20/01/1997 của UBND lâm thời tỉnh Bắc Giang. Bộ máy tổ chức dựa trên cơ sở khung của trường Trung học VHNT Hà Bắc ( cũ). Trường tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động chuyên môn khác như trường Trung học VHNT Hà Bắc trước đây. Tuy nhiên, nhà trường đã có nhiều thay đổi trong mục tiêu và nội dung đào tạo để phù hợp với bản sắc văn hóa, nhu cầu cán bộ của một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng chung sống.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng ( khóa XIII), Nghị định số 121/2003/NĐCP của Chính phủ, nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ quản lý văn hóa – xã hội để trang bị nguồn cán bộ cho 229 xã, phường của tỉnh, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đặc biệt các ngành học năng khiếu nghệ thuật truyền thống. Quy trình đào tạo ngày càng đi vào nề nếp, khoa học và đúng quy chế. Các hoạt động ngoại khóa được tăng cường, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, bám sát đời sống văn hóa thông tin cơ sở, nhạy bén với những đòi hỏi từ thực tiễn để mềm hóa chương trình đào tạo, nhờ đó mà chất lượng đào tạo được không ngừng nâng cao. Mỗi giai đoạn của nhà trường đều có những hoàn cảnh cụ thể và sự đòi hỏi của xã hội rất khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, những người có trách nhiệm quản lý, các thày giáo, cô giáo không khỏi có những băn khoăn trăn trở. Một mặt tự hào được kế thừa bề dày truyền thống của nhà trường do các thế hệ những nhà quản lý, các thày giáo, cô giáo dày công tạo dựng làm nền móng và tiền đề cho ngày hôm nay. Mặt khác không thể không mong muốn sự quan tâm hơn nữa của các cấp quản lý để có được một sơ ngơi vật chất ngang tầm với vị trí và vai trò của một nhà trường chuyên nghiệp đào tạo đặc thù.

Từ năm 1998 đến nay, giai đoạn trường Trung cấp VHTTDL Bắc Giang.

Ngày 18/8/2008 UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 84/QĐ – UBND về việc thành lập trường Trung cấp VHTT&DL tỉnh Bắc Giang trực thuộc Sở VHTT &DL tỉnh Bắc Giang.

Bộ máy của nhà trường được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, đến nay trường có đội ngũ cán bộ giáo viên gồm 37 cán bộ, viên chức, 7 Thạc sỹ, 21 Đại học ( 03 đang học Thạc sỹ). Các phòng ban, các Khoa được kiện toàn tương ứng với nhiệm vụ đào tạo. Tăng cường cơ sở vật chất, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và quy trình đào tạo, mở rộng ngành nghề đào tạo mới (đến nay nhà trường đã có 17 mã ngành đào tạo trình độ Trung cấp chuyên nghiệp được phép đào tạo) tăng cường liên thông liên kết đào tạo. Một trong những mục tiêu phấn đấu đạt được các tiêu chí để nâng cấp trở thành trường Cao đẳng VHNT trong tương lai.

Ra đời trong giai đoạn lịch sử cả nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, ác liệt, nhà trường đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Chỉ trong hơn 10 năm, trường đã phải chuyển địa điểm sơ tán tới 4 lần: Khắc Niệm ( Tiên Sơn – Bắc Ninh ), Song Vân ( Tân Yên ), Nghĩa Trung ( Việt Yên ), Song Mai ( Bắc Giang ). Mỗi lần đến địa điểm mới là một lần thày và trò vừa tự xây dựng cơ sở vật chất, vừa tiếp tục dạy học. Dưới đạn bom cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dù bao khó khăn gian khổ, hình ảnh các buổi họp, những lớp tập huấn văn nghệ đêm sơ tán của một thời chiến tranh đã để lại dấu ấn không thể quên trong lòng những cán bộ, giáo viên ,học sinh nhà trường. Trải qua một chặng đường với những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhà trường đã cung cấp cho đất nước và tỉnh nhà hàng ngàn cán bộ văn hóa được đào tạo cơ bản, chính quy công tác trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Rất nhiều học sinh của nhà trường đã và đang giữ những trọng trách trong bộ máy tổ chức quản lý VHTT, được Đảng, Chính quyền và nhân dân tin cậy về tài đức. Nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ tài năng có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật.

Tiếp bước truyền thống vẻ vang của trường trong 46 năm qua, Tập thể cán bộ viên chức nhà trường tiếp tục đoàn kết, nỗ lực cố gắng để xây dựng trường ngày một phát triển vươn tới những tầm cao mới, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, nhân dân, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương có bề dày truyền thống cách mạng và văn hiến. Đóng góp xuất sắc cho việc bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quê hương Bắc Giang

             III- Những thành tích tiêu biểu trong những năm gần đây.

– Cờ thi đua xuất sắc ngành đào tạo  năm 2008 của Bộ VHTT&DL tặng (Quyết định số 1319/QĐ-BVHTTDL ngày 07/4/2009).

– Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc năm 2009 của Bộ VH TT&DL tặng (QĐ số 4476/QĐ-BVHTTDL ngày 7/12/2009).

– Cờ thi đua hạng 3 của Chủ tịch UBND tỉnh (QĐ số 30/QĐ-UBND ngày 25/01/2013).

– Huân chương lao động hạng Ba của chủ tịch nước cộng hoà XHCN Việt Nam (Quyết định số 1524/QĐ-CTN  ngày 7/9/2011).